“1917”- Phim chiến tranh hấp dẫn và độc đáo

Chủ nhật, 27 Tháng 6 2021 12:43 (GMT+7)
“1917” là phim về đề tài chiến tranh của điện ảnh Anh, được đồng biên kịch, dàn dựng và sản xuất bởi đạo diễn Sam Mendes. Tác phẩm đạt nhiều giải thưởng danh giá ở các liên hoan phim quốc tế. Trong đó, đạt 3 giải tại Oscar 2020: Quay phim xuất sắc nhất, Âm thanh xuất sắc nhất, Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất. Quả thật, phần hình ảnh, âm thanh của phim hoàn toàn chinh phục người xem khi bộ phim dài 2 tiếng mà tạo cảm giác chỉ với “một cú lia máy” đỉnh cao.
Phim phát sóng lúc 11 giờ 25, thứ bảy, ngày 26-6 trên kênh HBO.
 
Bối cảnh phim diễn ra vào tháng 4-1917, khi quân Anh - Pháp và Ðức giằng co ở mặt trận phía Tây trong Thế chiến thứ nhất. Khi một đội quân Ðức rút lui, đại tá Mackenzie của quân đội Anh dự định tấn công để đẩy nhanh cuộc chiến. Nhưng nhiều dữ kiện cho thấy kẻ địch đã ngầm bài trí phục binh với kế “vườn không nhà trống”, nếu tấn công họ sẽ mắc bẫy và phải “nướng quân” vô ích. Hai người lính Will Schofield (George MacKay đóng) và Tom Blake (Dean-Charles Chapman) được lệnh mang thư của cấp trên đến ngăn đại tá Mackenzie xuất quân trước khi trời sáng. Với Tom Blake, nhiệm vụ còn mang ý nghĩa khi anh trai anh là một trong 1.600 binh sĩ sắp đi vào chỗ chết. Nhiệm vụ tưởng chừng bất khả thi khi trong thời gian ngắn, hai người lính phải vượt qua trận địa vô vàn hiểm nguy và có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào…
Hai nhân vật chính (bên trái) trong chiến hào được đào thật để quay phim.
 
Ðiểm đặc biệt nhất của phim là sử dụng kỹ thuật “one-shot” (một cú bấm máy đến hết tác phẩm). Tuy nhiên, đối với một bộ phim điện ảnh thời lượng dài với nhiều bối cảnh, thời gian, địa điểm khác nhau, đạo diễn và bộ phận kỹ thuật tính toán quay phim, cắt dựng sao cho nhiều cảnh ghép lại tạo cảm giác như một cú bấm máy liền mạch suốt phim. “1917” đã thể hiện điều này rất xuất sắc.
 
Ðiều ấn tượng tiếp theo là bối cảnh phim được dàn dựng rất công phu, chi tiết. Trước khi ghi hình, ê-kíp dựng toàn bộ cảnh phim với mô hình thu nhỏ, sau đó tạo bối cảnh thật. Lúc này, chiến trường giao tranh giữa các bên chủ yếu là hệ thống giao thông hào ngoằn ngoèo. Nhà sản xuất đã đầu tư đào hệ thống chiến hào dài 1,5km để ghi hình. Ngoài ra, không gian một thị trấn với các tòa nhà đổ nát, hoang tàn cũng được dựng thật chứ không dùng kỹ xảo. Từng bối cảnh đều được tính toán kỹ về cự ly, không gian để các nhà làm phim có khoảng trống di chuyển, bắt theo chuyển động nhân vật. Các kỹ thuật quay phim, hình ảnh, âm thanh, ánh sáng… được thực hiện nhịp nhàng, đồng bộ, mượt mà tạo nên những khung hình chân thực, sinh động, mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả.
 
Nội dung phim đơn giản nhưng rất lôi cuốn, khiến người xem hồi hộp dõi theo hành trình đầy chông gai, thử thách của Tom Blake và Will Schofield. Ðặc biệt, đạo diễn không sa đà vào những chi tiết lịch sử nặng nề mà tập trung khắc họa những nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của hai người lính trẻ. Trong hành trình đó, câu chuyện khốc liệt và cảm động về số phận con người trong chiến tranh dần hiện lên bằng những hình ảnh, chi tiết nhỏ nhưng đầy sức nặng. Như Tom đã trả giá bằng mạng sống của mình khi quá nhân đạo với kẻ địch. Hay cảnh một cô gái sống sót trong thị trấn cưu mang một đứa trẻ sơ sinh mồ côi. Phân cảnh Will Schofield trò chuyện cùng cô gái, nâng niu đứa trẻ và tặng hết thực phẩm của mình cho cô có lẽ là khoảnh khắc nhẹ nhàng, êm đềm, lắng đọng nhất trong suốt mạch phim.
 
Will Schofield cuối cùng cũng đã hoàn thành được nhiệm vụ truyền tin, kịp thời ngăn cản cuộc tấn công và tìm gặp được anh trai của Tom Blake để trao kỷ vật của người quá cố. Nhìn gương mặt anh giãn ra và cơ thể dường như kiệt sức ở cảnh cuối phim, người xem cũng chạnh lòng thương xót và càng trân quý hòa bình, giá trị của sự sống.
 
CÁT ÐẰNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giải Trí