Sau 3 đêm nhạc tổ chức trực tuyến, ca sĩ Mỹ Tâm tiếp tục thực hiện 2 đêm gala đặc biệt tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vào ngày 26 và 27-3 vừa qua. Để đáp lại tình cảm của khán giả, ca sĩ Mỹ Tâm mở đợt bán vé online để người xem ở xa có thể theo dõi trực tuyến và lượng vé này cũng nhanh chóng bán hết.
Tan băng
Trong 2 đêm gala, khán giả được gặp lại nhạc sĩ Đức Trí, Phan Mạnh Quỳnh, Khắc Hưng - những khách mời từng kết hợp với Mỹ Tâm ở các đêm "My Soul 1981" trực tuyến. Ngoài ra, "hoàng tử indie" Vũ và Thịnh Suy là 2 gương mặt xuất hiện lần đầu cùng ca sĩ Mỹ Tâm trong chương trình. Các đêm diễn đều thỏa lòng người hâm mộ.
Mỹ Tâm thăng hoa với 2 đêm nhạc của mình. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Ban nhạc rock huyền thoại Bức Tường cũng có sô diễn lớn vào đêm nay (2-4) tại Hội trường Thống Nhất (TP HCM) với tên gọi "Đường đến ngày vinh quang". Theo đại diện ban nhạc, không gian đêm nhạc sẽ được "đốt nóng" bằng sự máu lửa của các thành viên bởi quá lâu rồi họ mới đứng chung sân khấu, tương tác trực tiếp với khán giả.
Ngoài Bức Tường còn có sự tham gia của một số ca sĩ, nhóm nhạc khác như Phạm Anh Khoa, Việt Lâm, KraziNoyze; những gương mặt trẻ đại diện cho thế hệ mới của làn sóng rock tại Việt Nam như Giấy Gấp Band, Thỏ Trauma (Metanoia), Minh Thạch (Nòw)...
"Sau 9 năm mới thực hiện chương trình tại TP HCM, chúng tôi muốn có sự gần gũi nhất và cũng muốn kể một câu chuyện bằng âm nhạc về con đường mà Bức Tường đã đi và đạt được thành công như thế nào" - đại diện ban nhạc Bức Tường cho biết.
Từ những chương trình phục vụ du khách tại Đà Lạt, thương hiệu Mây Lang Thang phát triển các dự án âm nhạc acoustic thành chuỗi sô diễn chuyên nghiệp, với sự góp mặt của nhiều ca sĩ nổi tiếng như: Tuấn Ngọc, Thanh Lam, Minh Tuyết, Uyên Linh, Nguyên Hà… Gần đây, Mây Lang Thang bắt đầu tiến vào thị trường TP HCM với sô diễn đầu tiên của ca sĩ Hà Trần và ban nhạc Hoài Sa.
Tại TP HCM, không thể không kể đến phòng trà "Vừng ơi mở ra". Một không gian nhỏ gọn, ấm cúng nhưng luôn hút khán giả bởi quy tụ được nhiều ca sĩ nổi tiếng: Hà Trần, Mỹ Linh, Hồng Nhung… Ngoài ra, để thưởng thức nhạc sống động, khán giả cũng có thể chọn các phòng trà khác như Chợ Gạo, C-Show…
Trong khi đó, phòng trà online của nhà sản xuất Vân Trình cũng đã có những bước tiến dài đến Đà Lạt, Hà Nội, Ninh Bình… sau khi gặt hái thành công nhất định ở TP HCM. Sắp tới đây, anh sẽ cho ra mắt thêm một thương hiệu biểu diễn mới tên Xinchao Xinchao.
Thay đổi lớn
Những sô diễn âm nhạc gần đây đều có chung đặc điểm là quy mô tổ chức trung bình và nhỏ. Lượng khán giả của những đêm nhạc này nhiều nhất cũng chỉ 1.000 và thấp nhất từ 80 - 100 ghế ngồi. Thậm chí, sô nhạc rock từng diễn ra ở các sân vận động với hàng chục ngàn khán giả thì nay đêm nhạc của Bức Tường chỉ giới hạn khoảng 400 - 500 khách. Chuỗi sô phòng trà online của nhà sản xuất Vân Trình chỉ đón khoảng 100 khách mỗi buổi diễn.
Trong khi đó, Mây Lang Thang tại Đà Lạt có 2 sân khấu với sức chứa lần lượt là 300 và 700 khách. Do diễn ra với quy mô nhỏ nên hầu hết các sô diễn đều bán sạch vé. Giá vé được phân thành nhiều loại phù hợp với nhiều đối tượng. Chẳng hạn, đêm diễn của Mây Lang Thang, The Show Vietnam… có giá vé dao động 250.000 - 800.000 đồng/vé. Những sô đắt hơn có giá từ hơn 1 triệu đến 1,8 triệu đồng/vé.
Nhưng điều đặc biệt ấn tượng với khán giả là những chương trình này đều được đầu tư công phu, từ dàn dựng, bối cảnh sân khấu đến âm nhạc. Một ca sĩ đang chuẩn bị đêm diễn hoành tráng của mình quyết giữ bí mật đến phút cuối cũng thừa nhận đã đầu tư hơn 2 tỉ đồng cho thiết kế sân khấu, dù khán giả đêm nhạc chỉ khoảng 100 người. "Sự đầu tư này là bắt buộc vì sự tôn trọng dành cho khán giả và cả sự nghiêm túc của bản thân khi quyết định thực hiện live show ở thời điểm này" - ca sĩ cho biết.
Điều này được giới chuyên môn đánh giá là hoàn toàn hợp lý bởi hiện nay, gu thưởng thức của khán giả đã thay đổi nhiều so với trước. Những đêm nhạc hoành tráng về quy mô đang dần thoái trào, thay vào đó là các buổi diễn với quy mô nhỏ. Khán giả sẽ được hòa mình vào không gian âm nhạc mà họ bỏ tiền mua vé. Không còn chuyện đến các sô diễn chỉ để "check-in" cho hợp thời và sành điệu như trước, khán giả đến với các đêm nhạc hiện nay là để tìm sự đồng cảm và sẻ chia với chủ nhân buổi tiệc âm nhạc.
Ca sĩ Phương Thanh nói: "Thời âm nhạc đúng nghĩa đã trở lại. Ở đó, nghệ sĩ được hát thật, chơi nhạc thật, còn khán giả được thưởng thức âm nhạc thật". Nhà sản xuất Vân Trình vui mừng cho biết các nhạc công, nhạc sĩ hiện nay có nhiều đất diễn hơn và thu nhập cũng được cải thiện đáng kể sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Khán giả cũng có nhiều lựa chọn và không gian trải nghiệm âm nhạc hơn.
Vài ca sĩ tiết lộ nếu lúc trước làm live show lỗ 1 thì nay lỗ tới 10 vì hạn chế khán giả. Nhưng nếu muốn tồn tại được ở thị trường nhạc Việt mà gu thưởng thức âm nhạc của khán giả đang thay đổi thì ca sĩ bắt buộc phải tham gia "cuộc chiến" nâng cao chất lượng. Sự sống còn của ca sĩ tùy thuộc chất lượng đầu tư tiền của lẫn chất xám cho mỗi sản phẩm âm nhạc, trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của nhạc Việt. Đó là lý do nhiều người trong giới khẳng định: "Nhạc Việt đang trở lại".
Dù “hòa nhập cộng đồng” chậm hơn một số loại hình nghệ thuật khác nhưng từ đầu tháng 3-2022, các sân khấu nhạc cổ điển sôi động hơn với nhiều lịch diễn. Liên tục các đêm nhạc cổ điển, hòa nhạc thính phòng được diễn ra trên địa bàn TP HCM, tạo sự hứng khởi không chỉ cho nghệ sĩ mà còn với khán giả. Điển hình như Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM vừa tổ chức chương trình nghệ thuật “Hòa nhạc mùa xuân”, mở màn cho mùa diễn 2022 của nhà hát.
Nhạc sĩ Dương Thụ tổ chức đêm nhạc thính phòng “Sớm nay mùa xuân” với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ trẻ. Ngày 9-4, Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM cũng sẽ tổ chức đêm hòa nhạc đặc biệt với sự tham gia của 2 nghệ sĩ được đánh giá là xuất sắc nhất hiện nay trong lĩnh vực của mình là NSƯT Bùi Công Duy (violinist) và Phạm Vũ Thiên Bảo (viola - player).