"Hành trình công lý" là tác phẩm Việt hóa từ phim "The good wife" (tạm dịch: Người vợ tốt) của Đài Truyền hình CBS - Mỹ. Nội dung phim xoay quanh câu chuyện về nhân vật Phương (Hồng Diễm đóng) - tốt nghiệp ngành luật nhưng chấp nhận từ bỏ sự nghiệp để chăm lo cho gia đình. Hoàng (Việt Anh đóng) - chồng của Phương, có sự nghiệp ổn định, ý chí cầu tiến, yêu thương vợ con.
Gia đình êm ấm của Phương - Hoàng gặp biến cố lớn khi đoạn video clip Hoàng làm tình với một phụ nữ lan truyền trên mạng. Hoàng phủ nhận chuyện ngoại tình nhưng Phương thì đau khổ, suy sụp trước sự việc. Phim quy tụ dàn diễn viên thực lực: Hồng Diễm, Việt Anh, Thu Quỳnh, Hà Việt Dũng, Doãn Quốc Đam, NSND Như Quỳnh…
Ngay trong tập 1, cảnh nóng của nhân vật Hoàng và Hà (Huyền Trang đóng) trở thành tâm điểm bàn tán, tranh luận giữa các luồng ý kiến trái chiều. Một số khán giả cho rằng cảnh nóng quá táo bạo, trần trụi, không thích hợp xuất hiện trên phim truyền hình quốc gia, nơi nhiều đối tượng khán giả cùng thưởng thức.
Mặc dù khung giờ chiếu muộn so với trẻ nhỏ nhưng đây vẫn là thời điểm thanh thiếu niên có thể xem cùng gia đình. Việc cả nhà nhiều độ tuổi từ ông bà, con cháu cùng xem phim mà thấy những cảnh này hoàn toàn không phù hợp. Một số khác cho rằng cảnh nóng này không đẹp, không nghệ thuật trong mắt họ. Nó trần trụi và mang đến sự thô tục, phản cảm hơn là để mang đến cảm xúc nên không nhất thiết phải nhấn mạnh yếu tố này như cách ê-kíp "Hành trình công lý" đã thực hiện.
Cảnh nóng bị chỉ trích trong phim “Hành trình công lý”. (Ảnh chụp màn hình)
Video clip nóng của nhân vật Hoàng và Hà còn xuất hiện trở lại trong các tập 2 và 3 của phim qua ký ức của Phương. Nhân vật Phương ám ảnh, đau đớn vì cảnh ngoại tình của chồng nên ngay cả nằm mơ cũng thấy lại những cảnh này. Điều này càng khiến phim bị không ít khán giả cho rằng cố tình câu kéo lượt xem bằng cảnh nóng.
Nếu ở tập 1, cảnh nóng có thể được biện giải rằng buộc phải có bởi nó là mấu chốt thúc đẩy tình tiết phim, tác động gây mâu thuẫn trong gia đình nhân vật chính Phương và Hoàng thì ở các tập sau cảnh nóng lặp đi lặp lại để nhấn mạnh nỗi đau của nhân vật rõ ràng không cần thiết.
Khán giả không cần phải cùng nhân vật xem đi xem lại cảnh nóng mới hiểu rằng cô bị dằn vặt, đau khổ và ám ảnh bởi điều này. Rõ ràng, ê-kíp phim khó có thể thuyết phục khán giả tin vào yếu tố "thanh" họ mong mỏi mang đến màn ảnh nhỏ mà không phải cái "tục" tầm thường, kém giá trị nghệ thuật. Lằn ranh "thanh - tục" luôn mong manh, nhà làm phim nếu không thận trọng thì rất dễ vượt lằn ranh.
Đặc biệt, phim truyền hình thường được phát sóng cho nhiều đối tượng khán giả nên việc làm mới, đẩy mạnh sự sáng tạo, táo bạo thì vẫn nên trong giới hạn, phù hợp với các chuẩn mực truyền thống lâu nay.
Trước những phản ứng của khán giả với các cảnh nóng, nhạy cảm, nhà làm phim cần phải thận trọng khi đưa các cảnh này vào tác phẩm của mình.