Học sinh tiếp cận với thông tin nghề, việc làm
Tập trung cho công tác phân luồng HS, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các trường đã bố trí đủ biên chế giáo viên tham gia công tác GD hướng nghiệp, tư vấn nghề cho HS lớp 9 với thời lượng trung bình mỗi tháng có 1 tiết hướng nghiệp. Mạng lưới trường học cơ bản đáp ứng nhu cầu học nghề của HS. Kế hoạch phân luồng HS được các sở, ngành tỉnh quan tâm chỉ đạo phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực địa phương. Chất lượng đào tạo nghề hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dạy nghề ngắn hạn được chú trọng. Học viên sau khi ra trường dễ tìm việc làm, tự tạo việc làm, có thu nhập ổn định.
Sở GD&ĐT, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh phối hợp chặt chẽ trong công tác khảo sát, định hướng, tư vấn, phân luồng HS. Thông tin về học lực, hoàn cảnh gia đình, nguyện vọng của HS được Trung tâm DVVL cập nhật thường xuyên. Từ những số liệu, Trung tâm có các biện pháp tư vấn, định hướng phù hợp. Ở các trường THCS, THPT, hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn khuyến khích HS tìm hiểu các thông tin về ngành, nghề. Trong những phiên, sàn giao dịch việc làm đều cử giáo viên, HS tham gia cập nhật thông tin nghề, việc làm, giúp các em có sự lựa chọn nghề phù hợp với năng lực bản thân.
Các đơn vị tăng cường công tác truyền thông, tác động đến đối tượng HS, phụ huynh HS với các loại hình: phát tờ rơi, phát trên sóng phát thanh, tư vấn trực tiếp tại trường học, các buổi sinh hoạt đoàn thể, tư vấn trực tiếp tại UBND các xã, phường, thị trấn... tạo mọi điều kiện để phụ huynh HS, người thân các em HS tiếp cận, định hướng, động viên các em HS tham gia học nghề.
UBND tỉnh, các sở, ngành có chính sách ưu tiên phát triển quy mô mạng lưới các trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở dạy nghề. Tỉnh hiện có các Trung tâm GD thường xuyên, Trường Cao đẳng nghề, Trường Cao đẳng Cộng đồng, Trung tâm DVVL, 23 cơ sở dạy nghề, 11 cơ sở khác có tham gia dạy nghề với quy mô đào tạo trên 20.000 học viên/năm. Các cơ sở đào tạo nghề được phân bố tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Cơ cấu nghề đào tạo được điều chỉnh gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ngoài những nghề truyền thống tại địa phương, các cơ sở còn đào tạo nghề gắn với nhu cầu của thị trường giúp người học có thể chủ động tìm việc làm, tự tạo việc làm cho bản thân sau khi hoàn thành chương trình.
Theo Sở GD&ĐT, hiện trạng kết quả phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS mỗi năm có sự dao động, số lượng HS chưa hoặc chậm vào các cơ sở GD, ở nhà phụ giúp gia đình vẫn còn phổ biến. Vẫn còn một số HS chưa đủ năng lực học tập theo học THPT, dự định vào đại học, cao đẳng dẫn đến sự lãng phí công sức, tiền bạc; chính sách, khuyến khích đối với HS ở các cơ sở GD nghề nghiệp vẫn còn hạn chế.
Tập trung các giải pháp phân luồng HS, Sở GD&ĐT đã điều chỉnh nội dung, phương pháp GD hướng nghiệp tích hợp trong các môn học của chương trình GD phổ thông mới. Các phòng chuyên môn Sở GD&ĐT, phối hợp các đơn vị trường tổ chức các hoạt động hướng nghiệp mang tính tập trung, quy mô lớn như: Ngày hội nghề nghiệp, Ngày hội việc làm, Tư vấn tuyển sinh... Các đơn vị trường tổ chức họp chuyên đề dành cho cha mẹ HS, biên soạn các tài liệu tuyên truyền phù hợp với mỗi đối tượng HS.
Thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có 30% HS tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp, học nghề là một mục tiêu khó. Muốn đạt được cần có sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sở, ngành trong công tác phối hợp thực hiện công tác định hướng, tư vấn, phân luồng, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Đồng thời cập nhật thông tin nhu cầu thị trường, việc làm, chủ động điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với thị trường lao động trong, ngoài nước.