Qui đang pha chế thức uống phục vụ khách hàng. Ảnh: TÚ ANH
Thêm thu nhập
Tuần qua, Lý Thanh Qui, SV ngành Công nghệ thông tin (Trường Đại học An Giang), tất bật việc làm pha chế và phụ bếp nhà hàng- khách sạn Đăng Khoa ở quận Ninh Kiều. Mỗi ngày, Qui vất vả làm việc từ 11 giờ 30 phút đến 22 giờ nhưng rất vui vì thêm thu nhập, chuẩn bị năm học sắp tới. Gia cảnh khó khăn, mẹ mất sớm, cha và em trai làm công nhân tỉnh Long An. Vì vậy, dịp hè, Qui thường xin việc làm thêm để phụ giúp gia đình và lo bản thân. Qui chia sẻ: “Cùng làm nhân viên quán ăn uống, nếu ở tỉnh An Giang, em được chủ trả công khoảng 9.000 đồng/giờ, làm việc ở các quán ở trung tâm TP Cần Thơ, em được trả từ 11.000 đến 12.000 đồng/giờ. Nếu chịu khó tăng ca, thu nhập cũng đủ để em đóng học phí, mua sắm dụng cụ học tập”.
Dịp hè các năm trước, Qui làm phục vụ quán cà phê, quán ăn, nhặt bóng các sân quần vợt hoặc theo gia đình đến Long An làm công nhân xưởng gỗ. Theo Qui, những công việc nặng nhọc đòi hỏi người lao động phải có sức khỏe tốt bởi thường xuyên tăng ca, thức khuya nhưng bù lại Qui thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Dịp hè, Qui có thể làm hơn 2 tháng, thu nhập hơn chục triệu đồng, phần nào trang trải chi phí học tập và phụ giúp gia đình. Qua đó, giúp Qui tận dụng thời gian lao động, hạn chế tiếp xúc và sa đà những trò chơi không lành mạnh…
Hay như Hồ Quốc Thắng, SV ngành Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan (Trường Đại học Cần Thơ), làm nhân viên bán hàng cửa hàng đồ chơi trẻ em Siêu thị Lotte (quận Ninh Kiều). Dịp hè, Thắng đăng ký học hè một số học phần nên thời gian rảnh rỗi khá nhiều, Thắng thường xuyên tăng ca, thu nhập từ 2,5 đến 4 triệu đồng/tháng. Thắng kể: “Cha mẹ làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh, thu nhập chỉ đủ chi tiêu nên em phải cố gắng làm việc, kiếm thêm thu nhập, giảm bớt gánh nặng cho gia đình”. Thu nhập từ việc làm bán thời gian không chỉ giúp Thắng trả tiền trọ, học thêm, còn hỗ trợ gia đình một phần.
Việc làm thêm được nhiều SV lựa chọn dịp hè khá đa dạng, phong phú như: nhân viên phục vụ, khảo sát thị trường, trực tổng đài điện thoại, bảo vệ, thu ngân, phục vụ nhà hàng, tiệc cưới, giúp việc nhà...
Rèn kỹ năng
Khá nhiều bạn trẻ chọn những việc làm gắn với chuyên ngành được học để tăng thời gian thực hành và có cơ hội rèn kỹ năng nghề nghiệp. Trương Văn Giàu, sinh viên ngành Điện Công nghiệp (Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ), thường xuyên nhận lắp đặt hệ thống điện sinh hoạt hoặc sửa chữa điện cho khách hàng. Ở nhà, Giàu nhận sửa chữa các thiết bị điện tử, như: tivi, DVD… Bình quân mỗi tháng, Giàu thu nhập hơn 1 triệu đồng nhưng quan trọng hơn, Giàu ứng dụng kiến thức đã học qua trải nghiệm thực tế sinh động để có kỹ năng nghề tốt hơn. Giàu chia sẻ: “Em ước mơ sau này mở cửa hàng sửa chữa và bán thiết bị điện - điện tử. Vì vậy, ngoài những kiến thức, kỹ năng tích lũy qua làm thêm, em biết được nhu cầu, thị hiếu khách hàng cũng như kỹ năng kinh doanh”.
Một số bạn tuy không tìm được việc làm thêm phù hợp chuyên môn nhưng cũng tích lũy một số kinh nghiệm quý báu. Trường hợp Huỳnh Trọng Khang, SV ngành Kế toán (Trường Cao đẳng Cần Thơ), nhân viên phục vụ quán ăn Thái Lan có những trải nghiệm bổ ích. Khang bộc bạch: “Công việc mới nhìn có vẻ đơn giản nhưng việc phục vụ để khách hàng hài lòng đòi hỏi kỹ năng giao tiếp tốt. Qua hơn 2 tháng tiếp cận nghề, em tự điều chỉnh văn hóa ứng xử, học cười tạo thiện cảm với khách. Môi trường làm việc giúp em tự tin hơn trong giao tiếp và biết cách ứng xử trong nhiều trường hợp khác nhau”. Theo Lý Thanh Qui, mỗi công việc giúp SV trải nghiệm cuộc sống để tích lũy những bài học, kỹ năng cần thiết. Qui từng làm nhân viên cửa hàng KFC, môi trường làm việc đòi hỏi tính ngăn nắp, kỷ luật và giữ gìn vệ sinh thực phẩm rất cao. Sau mỗi lần nấu nướng hoặc chế biến, Qui phải dọn dẹp vệ sinh, lau chùi sạch sẽ các thiết bị nhà bếp. Dần dần, Qui hình thành nếp kỷ luật, thói quen giữ gìn vệ sinh chung tốt hơn.
Nhiều bạn trẻ cho rằng, làm thêm không chỉ giúp thêm thu nhập, còn là dịp để bươn chải cuộc sống, biết quý trọng giá trị lao động và rèn nghiệp vụ chuyên môn, tích lũy kỹ năng.