Tập huấn giám thị, chống gian lận thi cử

Thứ hai, 18 Tháng 6 2018 09:49 (GMT+7)
Tại thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại các địa phương đã sẵn sàng. Việc tập huấn giám thị để ngăn chặn các thủ thuật gian lận thi ngày càng tinh vi được các điểm thi đề cao

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, TP HCM có trên 79.000 thí sinh đăng ký tại 127 điểm thi với sự tham gia của gần 8.000 cán bộ, giảng viên của các trường ĐH và giáo viên THPT.

Huy động lực lượng in sao đề

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, đến thời điểm hiện tại, khâu tập huấn, kiểm tra cơ sở vật chất, các điều kiện liên quan đến việc phối hợp bảo đảm về an toàn khu vực thi, điện nước và giao thông cũng đã được triển khai.

Tập huấn giám thị, chống gian lận thi cử - Ảnh 1.

Giáo viên tham gia tập huấn thi THPT quốc gia tại tỉnh Thanh Hóa Ảnh: YẾN ANH

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết khâu in sao đề thi được chú trọng hơn cả vì năm nay số lượng đề thi phục vụ thí sinh ở tất cả các môn là rất lớn. "Sở GD-ĐT đã chuẩn bị xong nơi in sao đề thi hết sức an toàn và chúng tôi cũng phối hợp với Công an TP rà soát các điều kiện cụ thể để bảo đảm 3 vòng cách ly độc lập ở khu vực in sao đề. Từ sáng 18-6, 60 người làm công tác in sao đề thi sẽ bắt đầu làm việc" - ông Hiếu thông tin.

Tỉnh Đồng Nai năm nay có gần 29.000 thí sinh (tăng gần 3.000 thí sinh so với năm 2017) đăng ký dự thi tại 55 điểm thi. Bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, cho biết khâu in sao đề thi đang được tiến hành và sẽ hoàn thành sớm để ngày 24-6, đề thi được vận chuyển đến các điểm thi. Việc in sao, bảo quản và vận chuyển đề thi được bảo vệ nghiêm ngặt.

Còn tại tỉnh Bình Dương, năm nay, địa phương này có 11.579 thí sinh dự thi tại 21 điểm thi. Khâu in sao đề thi đang được tiến hành. Năm nay, sở huy động trên 500 giáo viên đến từ các trường THPT tham gia công tác coi thi, cùng với lực lượng giảng viên đến từ các trường ĐH tham gia hỗ trợ như Trường ĐH Thủ Dầu Một, Trường ĐH Bình Dương. Công tác tập huấn thi đã tổ chức xong, ngày 23-6 sẽ họp lãnh đạo các điểm thi để ngày 24-6 chính thức làm việc.

Theo lịch trình tuyển sinh, từ ngày 14-6, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã in sao đề thi cho Hà Nội, thời gian in dự kiến kéo dài đến ngày 22 hoặc 23-6. PGS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết tổng nhân viên phục vụ việc in sao đề năm nay gần 100 người, thực hiện in sao 2 triệu bản đề thi.

Ngăn chặn "ăn gian"

Bộ GD-ĐT cho biết năm nay, khâu coi thi được bổ sung một số quy định để bảo đảm quản lý chặt chẽ hơn. Cụ thể, phiếu trả lời trắc nghiệm của mỗi phòng thi sẽ được in đủ, không in dư so với số lượng thí sinh trong phòng thi. Trường hợp thí sinh làm bẩn, rách, nhàu yêu cầu đổi phiếu trả lời phải lập biên bản thu giấy cũ và được thay mới bằng phiếu dự phòng từ trưởng điểm thi. Bài thi cũng được niêm phong an toàn và được bảo quản chặt từ khi thu đến chấm thi. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các cán bộ coi thi, chấm thi phải lấy mẫu chữ ký và lưu giữ để đối chiếu so sánh.

Năm nay, Bộ GD-ĐT rút ngắn thời gian cách nhau giữa các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp xuống còn 10 phút thay vì 20 phút như năm trước (tránh tình trạng thí sinh tô đáp án của các môn trước vào phiếu trả lời trắc nghiệm sau thời gian nghỉ giữa hai môn thi). Cũng để ngăn chặn tình trạng "ăn gian" giờ làm bài là kết thúc mỗi môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp, giám thị sẽ thu lại giấy nháp, đề thi, mọi vật dụng mà thí sinh có thể ghi chép liên quan đến đề thi của môn thi thành phần trước.

Bộ GD-ĐT đã yêu cầu giám thị nghiêm túc giám sát, nếu phát hiện thí sinh có dấu hiệu chép đề thi ra mặt bàn hay vật dụng nào đó thì phải nhắc nhở, yêu cầu xóa hoặc thu ngay những vật dụng đó để bảo đảm kỳ thi diễn ra công bằng, khách quan với mọi thí sinh.

Theo ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, bộ cử về mỗi hội đồng chấm thi 2 cán bộ thanh tra để giám sát liên tục từ khi làm phách đến khi chấm thi. Hai cán bộ này được trưng tập từ các trường ĐH. Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT khẳng định chống gian lận thi cử là một trong những nhiệm vụ được thanh tra bộ tiếp tục chú trọng trong năm 2018. Để làm tốt công tác này, thanh tra bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an chỉ đạo PA83 các địa phương tập huấn cho giám thị coi thi trong việc phát hiện gian lận thi, đặc biệt là sử dụng các thiết bị công nghệ cao. 

Tránh làm tổn thương thí sinh

TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG

TP HCM), cho biết trường cử hơn 400 cán bộ, giảng viên phục vụ coi thi, giám sát tại khu vực quận Bình Thạnh và quận 3. "Sáng 18-6, trường sẽ tiến hành tập huấn sâu cho cán bộ, giảng viên để bảo đảm người nào cũng nắm rõ quy chế và hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh. Khi xử lý tình huống, cán bộ phải nắm rõ quy chế để tránh làm tổn thương thí sinh. Cần tuân thủ quy chế nhưng cũng phải tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh trong quá trình thi, phải làm thế nào để thí sinh cảm thấy được đối xử công bằng nhất và thực hiện đúng theo quy chế" - TS Phạm Tấn Hạ nói.

Nguồn: Huy Lân - Yến Anh - (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục