Theo bộ GD&ĐT, về cơ bản kỳ thi THPT Quốc gia 2018 được giữ ổn định như năm 2017; có một số điểm mới như sau:
Nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT, chủ yếu là lớp 12; nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; năm nay Bộ đã công bố đề thi tham khảo từ 24/01/2018, do vậy không gây sốc hay xáo trộn lớn cho HS và GV.
Về căn bản kỳ thi THPT Quốc gia 2018 giữ ổn định như năm 2017.
Thí sinh đã đăng ký dự thi (ĐKDT) cả 2 bài tổ hợp KHTN và KHXH thì phải thi đầy đủ 2 bài thi này mới được xét công nhận tốt nghiệp THPT;
Thời gian chuyển tiếp giữa các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp rút ngắn xuống còn 10 phút (năm 2017 là 20 phút). Điều chỉnh này phù hợp với thực tế, vừa bảo đảm tổ chức thi an toàn, tránh các bất cập có thể xảy ra.
Điểm thi được làm tròn đến hai chữ số thập phân; điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực được làm tròn đến hai chữ số thập phân;
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi, đặc biệt trong công tác ĐKDT, các công tác chuẩn bị cho hoạt động tổ chức thi, ra đề thi và chấm thi. Tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, làm cơ sở cho Hội đồng ra đề thi THPT quốc gia tham khảo để ra đề thi; nâng cấp phần mềm chấm thi trắc nghiệm nhằm tăng độ chính xác, khách quan trong chấm thi;
Quy luật phát đề thi cho thí sinh (nhất là với các Bài thi trắc nghiệm được quy định trong hướng dẫn thực hiện quy chế).
Khung điểm ưu tiên theo khu vực có sự thay đổi. Nếu như quy định hiện hành áp dụng mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 thì năm 2018 dự kiến mức chênh lệch này chỉ còn 0,25 tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10.
Như vậy, điểm cộng ưu tiên khu vực tối đa thí sinh được hưởng chỉ là 0,75 thay vì 1,5 như quy định hiện hành. Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp vẫn là 1 điểm.