Không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn

Thứ tư, 20 Tháng 6 2018 14:16 (GMT+7)
Đó là quan điểm chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và các địa phương trong Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Ảnh minh họa/internet

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, cho đến nay, toàn bộ các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh; nhiều đơn vị thành lập thêm Ban chỉ đạo thi cấp huyện để giúp ban chỉ đạo thi cấp tỉnh chuẩn bị chu đáo và triển khai tổ chức tốt các điểm thi ở địa phương.

Các địa phương đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai công tác đề thi, thực hiện chặt chẽ quy trình in sao đề thi để đảm bảo đủ số lượng đề thi với chất lượng tốt nhất, tuyệt đối không xảy ra sai sót; đảm bảo tuyệt đối an toàn, bảo mật trong các khâu in sao, vận chuyển, lưu giữ, sử dụng đề thi tại các Điểm thi của Hội đồng thi của địa phương mình.

Cùng với đó thực hiện việc rà soát kỹ lưỡng điều kiện cơ sở vật chất và công tác chuẩn bị của các Điểm thi thuộc Hội đồng thi, nhất là các Điểm thi ở vùng sâu, vùng xa, các Điểm thi đặt tại Trung tâm giáo dục thường xuyên, các Điểm thi sát khu dân cư, cơ quan, nhà máy, công xưởng, … có thể gây khó khăn cho công tác bảo vệ an ninh trật tự của Điểm thi.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghỉ cho thí sinh và người thân ở các địa điểm thi; tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ các thí sinh là con em dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, học sinh khuyết tật, hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa và thí sinh cư trú tại các vùng chịu ảnh hưởng thiên tai tham dự Kỳ thi, không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.

Ngoài ra, các địa phương đã xây dựng phương án phù hợp để kịp thời khắc phục khó khăn, bất cập và xử lý sự cố bất thường để đảm bảo tạo thuận lợi nhất cho việc dự thi của thí sinh và an toàn tuyệt đối cho cán bộ tham gia tổ chức thi.

Đề xuất các giải pháp hỗ trợ về đi lại, ăn ở cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các Điểm thi; tuyệt đối không để thí sinh nào vì khó khăn về kinh tế mà không thể tham gia dự thi.

Bên cạnh đó, tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để việc công bố kết quả thi được thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi.

Mặt khác, tiếp tục quán triệt tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật và tăng cường tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi cho cán bộ tham gia Kỳ thi; rà soát kỹ phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, thông tin liên lạc, vệ sinh an toàn thực phẩm và cung cấp điện, nước tại tất cả các Điểm thi;

Tăng cường công tác truyền thông để phổ biến các quy định của quy chế và pháp luật nhằm ngăn chặn kịp thời và tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, gian lận trong thi cử, nhất là tiêu cực, gian lận có tổ chức.

Nhiều địa phương ở vùng khó khăn đã huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ kinh phí cho thí sinh trong những ngày thi; chuẩn bị các suất ăn miễn phí… (nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và các vùng, miền khác).

 

Nguồn: Minh Phong - (giaoducthoidai.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục