Chỉ còn 2 ngày nữa, thí sinh THPT bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2018. Dưới đây là một vài ghi chú ôn tập môn văn trong những ngày cuối cùng và cách làm bài thi mà cô giáo Văn Trịnh Quỳnh An - giáo viên môn văn Trường THPT Gia Định - TP HCM vạch ra cho các em:
Thí sinh thi THPT quốc gia. Ảnh: Tấn Thạnh
- Đầu tiên, thí sinh cần nắm chắc và biết phân biệt các phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận, các kiểu đoạn văn...
- Sẵn sàng cho việc hỏi gì đáp nấy. Ví dụ: Khi đề thi hỏi, ý nghĩa thực sự của thất bại thì không nên trả lời thành công mà không có thất bại phải như thế nào.
- Ở phần đọc hiểu, thí sinh có thể trả lời bằng cách gạch đầu dòng để rõ ràng về mặt ý. Cố gắng tìm nhiều ý tốt nhất có thể
- Phần viết đoạn văn, có thể không đủ các thao tác nhưng các em nhất thiết phải có lập luận và thông qua lập luận, ta thể hiện quan điểm thái độ của mình. Nếu có dẫn chứng, tránh sa đà vào việc kể lể dẫn chứng vì đoạn văn ngắn cần sự tinh gọn.
- Phần làm văn, thí sinh không nên học tủ. Thời gian này nên là thời gian chốt ý và kiến thức. Ở nhà, em nên dùng giấy để chốt lại các kiến thức mà em đã học. Ví dụ: Khi học tới hai tính cách của dòng sông Đà trong tùy bút "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân, em nên vẽ ý: tính cách hung bạo ở những chỗ nào (quãng sông hẹp mà đá bờ sông dựng vách thành, quãng mặt ghềnh Hát Loóng, những cái hút nước khủng khiếp trên quãng Tà Mường Vát, cái thác dưới)... mỗi ý như vậy, em nên chọn một dẫn chứng thật chắc chắn để phân tích dẫn chứng ấy.
- Trong phần làm văn, kỹ năng thực sự rất quan trọng, những phần em "lờ lớ lơ" như tác giả, tác phẩm, đánh giá, kết bài... thực sự sẽ khiến em mất điểm con nhiều lắm. Các em nên xem các dàn ý chi tiết của các sách luyện đề để thấy cách xây dựng dàn ý theo đúng kỹ năng.