Ngày thứ 2 kỳ thi THPT quốc gia: Rất khó đạt điểm trên trung bình

Thứ tư, 27 Tháng 6 2018 09:35 (GMT+7)
Đa số giáo viên nhận định mặt bằng chung đề thi môn ngoại ngữ và bài thi khoa học tự nhiên trong ngày thi thứ 2 đều khó hơn so với đề thi năm 2017

Ngay sau khi thí sinh (TS) thi xong môn tiếng Anh chiều 26-6, nhiều giáo viên (GV) cho rằng đề năm nay khó cho TS muốn đạt điểm 6, 7. Đây là ngày thứ 2 của kỳ thi THPT quốc gia 2018 và đề thi các môn tiếp tục ở mức độ khó đã tạo áp lực rất lớn cho TS.

Tiếng Anh đa số sẽ đạt 5 điểm

Cô Lại Thị Thắm, Tổ trưởng chuyên môn tiếng Anh Trường THPT Nhân Việt (TP HCM), phân tích cấu trúc đề tiếng Anh phân hóa rõ ràng những câu hỏi đánh giá năng lực, tích hợp ở 2 bài đọc - hiểu và bài đọc điền từ vào chỗ trống, phần này chiếm 4 điểm toàn bài.

Ngày thứ 2 kỳ thi THPT quốc gia: Rất khó đạt điểm trên trung bình - Ảnh 1.

Thí sinh thi xong môn ngoại ngữ chiều 26-6 Ảnh: TẤN THẠNH

Nếu TS chỉ tập trung học ngữ pháp và những cấu trúc cơ bản theo sách giáo khoa thì đạt ngưỡng chung 5 điểm. Kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 20%. Đề có tính phân loại cao nhưng TS đạt 5 điểm thì dễ nhưng để lấy được ngưỡng trên 6, 7 điểm là khó. Đề tiếng Anh chưa mang hơi thở đổi mới, thiếu tình huống thực tiễn, không có thông tin nổi bật.

Còn theo thầy Phạm Tấn Hoàng, GV tiếng Anh Trường THPT Vĩnh Viễn (TP HCM), đề thi tiếng Anh khó hơn đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và khó hơn đề thi năm 2017 rất nhiều. Bài đọc - hiểu (từ câu 35 - 42) với chủ đề một loài thú nuôi gần gũi con người, có nhiều từ mới và cấu trúc câu khó, dài, từ vựng ở cấp độ nâng cao. Bài này chỉ dành cho học sinh (HS) giỏi và gây bối rối cho đa số TS. Với HS có vốn từ kém không thể hiểu được bài này. "Phần cơ bản, với TS trung bình, khó đạt được 50% bài làm. Với đề thi này khó có TS đạt được điểm cao, rõ ràng đề mang tính phân loại rất rõ, phù hợp cho việc tuyển sinh vào ĐH, CĐ" - thầy Hoàng kết luận.

Tổ hợp khoa học tự nhiên không còn "mưa điểm 10"

Ở đề thi môn hóa trong tổ hợp khoa học tự nhiên sáng 26-6, nhiều GV cho rằng kiến thức tập trung ở lớp 12 (80%), chỉ có 20% kiến thức lớp 11 rơi vào vùng nhận biết, thông hiểu.

Thầy Đoàn Văn Lượng, GV Trường THPT Đông Đô (TP HCM), nhìn nhận đề có cấu trúc gần giống với đề minh họa từ bảng biểu, hình vẽ thí nghiệm, biểu đồ. Các câu phân loại sắp xếp ngẫu nhiên phần dưới đề thi. Phần phân loại chủ yếu là bài tập tính toán, ý tưởng các câu này không khác những năm trước nhưng sự lắt léo đã được đẩy lên cao. Vì vậy, cảm giác thiếu đi sự mới, lạ ở những câu phân loại. Thầy Lượng cũng cho rằng phổ điểm phân loại HS tốp trên sẽ rơi chủ yếu vào khung 8-9, khó có tình trạng "mưa điểm 10" như năm trước.

Ngày thứ 2 kỳ thi THPT quốc gia: Rất khó đạt điểm trên trung bình - Ảnh 2.

Chiều 26-6, TP HCM có mưa lớn, sinh viên tình nguyện tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Khuyến đã chịu ướt để che dù cho thí sinh trước và sau khi thi Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thầy Tô Lâm Viễn, GV môn vật lý Trường THPT Gia Định (TP HCM), nhận định đề thi có phân hóa rõ ràng giữa mục đích thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH. HS trung bình khá có thể đạt được 5-6 điểm. HS khá giỏi có thể ở mức từ 7-9 điểm. Về nội dung thi, đề hoàn toàn nằm trong chương trình, không có phần nội dung giảm tải. Chương trình lớp 11 không quá khó, TS có ôn tập thì sẽ làm được. Câu hỏi thực hành sử dụng bài thực hành có trong sách giáo khoa.

Về cấu trúc, đề vật lý tương tự cấu trúc đề minh họa. Phân bố đều trong chương trình với nhiều mức độ, từ dễ, trung bình, khó đến rất khó. Đề thi được sắp xếp câu hỏi rõ ràng ở 20 câu đầu dễ và 20 câu sau khó hơn. Tuy nhiên, phần 20 câu sau, đề lại không sắp xếp theo mức độ, có thể gây khó khăn cho TS. "Khả năng TS đạt điểm 9-10 không nhiều. Phổ điểm dự kiến tập trung ở mức 6-8. So với năm ngoái, có thể năm nay điểm môn lý không biến động nhiều" - thầy Viễn dự đoán.

Đối với đề sinh học, thầy Đinh Văn Tiên, GV môn sinh Trường THPT Gia Định (TP HCM), nhận định ngoài kiến thức chương trình sinh học lớp 11 năm đầu tiên được đưa vào đề thi thì về cơ bản cấu trúc đề, tương quan lý thuyết - bài tập vẫn như đề các năm gần đây. Đề dài và có tính phân loại cao. Bài tập không mới nhưng dài (11 câu bài tập dạng đếm số câu đúng/sai), đòi hỏi TS phải rèn luyện nhiều và tiếp cận cách giải nhanh mới hy vọng làm kịp thời gian.

"Với tỉ lệ câu ở các mức độ như trên có thể thấy đề thi phù hợp để phân loại HS xét tốt nghiệp và ĐH. HS dễ đạt điểm 5-6. Từ mức điểm 7 trở lên, mức độ khó tăng lên đáng kể. Dự đoán khoảng điểm nhiều TS đạt nhất là 4,5 - 6,5. Khó có tình trạng "mưa điểm 10" như năm 2017" - thầy Tiên nhận định. 

Bộ phận ra đề quá tham lam

Qua 2 ngày thi, hầu hết các nhận xét về đề thi của giới chuyên gia, GV và cả TS đều cho rằng đề thi dài và khó. Theo các chuyên gia, nguyên tắc cơ bản của ra đề là dài thì không khó nhưng khó thì cần gọn gàng hơn. Nhưng có thể nói, người ra đề đã tham lam khi đưa cả 2 yêu cầu dài và khó vào cùng một đề thi trong khi thời gian quá ngắn. Chưa kể, đề thi mang nặng tính đánh đố, mưu mẹo, không có hơi thở cuộc sống thực tiễn.

Đối với môn toán ở ngày thi đầu tiên, một GV tính toán rằng đề thi gồm 50 câu, được làm trong 90 phút không kể thời gian phát đề. Nghĩa là nếu muốn làm bài thi trọn vẹn, trung bình mỗi câu phải làm trong 1 phút 48 giây. Với thời gian này, nhiều GV có kinh nghiệm cũng không đủ thời gian để giải đề chứ đừng nói đến TS. "Phải chăng, do năm ngoái quá nhiều điểm 10 dẫn đến hiện tượng có TS đạt 30 điểm vẫn không đậu nguyện vọng 1 nên năm nay Bộ GD-ĐT chỉ đạo ra đề khó?" - một GV bày tỏ.

Thầy Đinh Văn Tiên cho rằng với cách thi hiện nay, ngoài kiến thức là bắt buộc còn đòi hỏi TS phải có kỹ năng tính toán nhanh mới kịp thời gian. Đối với môn sinh học, thời gian làm bài cho mỗi câu đã rút ngắn rất nhiều. Cụ thể, trước kia thi 50 câu/90 phút (bình quân 1,8 phút/câu); hiện tại 40 câu/50 phút (bình quân 1,25 phút/câu). "Kỳ thi cũng đòi hỏi sức khỏe tốt và khả năng chịu áp lực cao do thi 3 môn trong cùng 1 buổi. Vì thế, có ngồi làm bài cùng lúc 3 môn như học trò mới hiểu một điều rằng giữ được sức khỏe và hoàn thành bài thi là cả một sự cố gắng rất lớn của các em" - thầy Tiên chia sẻ.

----

Hàng ngàn TS bỏ thi, xác minh sự cố lọt đề

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, ngày thi thứ 2 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết đã có 395.676 TS đăng ký dự thi bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, trong buổi sáng 26-6 đã có 2.529 TS bỏ thi môn vật lý, 3.051 TS bỏ thi môn hóa học và 2.468 TS bỏ thi môn sinh học. Có 818.972 TS đăng ký thi môn ngoại ngữ, số TS dự thi là 815.933 em, số bỏ thi là 3.039 em. Trong ngày thi thứ 2, cả nước có 12 TS bị xử lý kỷ luật, trong đó có 11 TS bị đình chỉ thi, 1 TS bị cảnh cáo.

Dù Bộ GD-ĐT khẳng định không có giám thị nào bị kỷ luật nhưng sự cố lọt đề thi môn vật lý và hóa học khi chưa hết giờ làm bài tổ hợp khoa học tự nhiên cũng khiến dư luận lo lắng. Theo quy chế thi THPT quốc gia, TS không được mang đề thi ra khỏi phòng thi cho đến khi hết giờ làm bài, cán bộ coi thi chỉ không thu lại đề của TS đối với môn thi cuối cùng của các bài thi tổ hợp hoặc các bài thi độc lập, tuy nhiên khoảng hơn 9 giờ ngày 26-6, đề thi môn vật lý, một môn thành phần của bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, đã xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.

Việc đề thi vật lý, hóa học bị lọt ra ngoài như thông tin trên mạng xã hội là vi phạm quy chế thi và việc giám thị hay TS đưa đề ra ngoài là việc cần làm rõ. Trả lời báo chí về việc lọt đề này, lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho hay Bộ GD-ĐT đang phối hợp với các lực lượng liên quan xác minh thông tin đề thi bị lọt ra ngoài.

Y.ANH

Nguồn: Đặng Trinh - Huy Lân - Lê Thoa - (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục