Tập trung cho công tác chấm thi
Theo bà Nguyễn Phương Dung - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương - từ chiều 27/6, ban Làm phách bắt đầu làm việc và kết thúc vào 29/6. Hội đồng Chấm thi sẽ khai mạc vào 30/6, sau đó triển khai chấm và thảo luận Hội đồng Chấm môn Ngữ văn, tiến hành chấm chung, chấm đại trà. Tất cả công việc đều được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của quy chế.
Tại Hưng Yên, khai mạc chấm thi sẽ sớm hơn Bình Dương 1 ngày, dự kiến thời gian chấm sẽ kéo dài từ 5-6 ngày. Thông tin từ ông Trần Đức Thiện - Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hưng Yên) - quy trình làm phách và chấm thi được thực hiện theo đúng quy chế và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Sở GD&ĐT chia tổ chấm (4 tổ) chấm chéo (giáo viên không chấm bài học sinh trường mình), cụ thể như sau:
Chấm bài tự luận gồm 4 trưởng môn, 4 phó trưởng môn và 88 cán bộ chấm thi; chấm trắc nghiệm có 1 tổ trưởng, 10 thành viên, huy động 3 máy quét; chấm kiểm tra có 1 tổ trưởng và 8 thành viên. Về nhập điểm, Sở GD&ĐT sử dụng 2 máy nhập, thực hiện nhập 2 vòng, sau đó đối sánh kết quả.
"Theo quy định của Bộ GD&ĐT, việc chấm kiểm tra thực hiện ít nhất 5% số lượng bài thi mỗi môn. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT yêu cầu chấm khoảng 6,8% số bài" - ông Trần Đức Thiện thông tin thêm.
Năm nay, Sở GD&ĐT Hải Dương huy động 150 cán bộ chấm thi là giáo viên cấp THPT tại địa phương để chấm thi tự luận. Với bài thi trắc nghiệm, cán bộ làm công tác chấm được huy động là 20 người, trong đó có 2 công an PA83; 2 thanh tra; 4 chuyên gia công nghệ thông tin và 12 người tham gia phục vụ chấm.
Ông Lương Văn Việt - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương, cho biết, nơi chấm thi được đảm bảo đủ bàn ghế làm việc và đặc biệt sử dụng 3 máy tính, 3 máy scan để quét và chấm bài. Phòng chấm thi được đảm bảo an toàn, khi vào phòng phải có đầy đủ cán bộ chấm thi, công an và thanh tra chứng kiến. Công an PA83 bảo vệ 24/24 ở vòng ngoài. Công tác phòng cháy, chữa cháy cũng được đảm bảo bằng các bình chữa cháy và nguồn nước ở bên cạnh.
Ngay trong chiều 27/6, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ đã cùng với lãnh đạo Ban chấm thi họp và đi kiểm tra toàn bộ công tác chuẩn bị chấm thi, gồm việc ban hành các văn bản chỉ đạo công tác chấm thi; lực lượng tham gia chấm thi, cơ sở vật chất, thiết bị; phương tiện phục vụ chấm thi, phương án đảm bảo an toàn tại khu vực chấm thi.
Năm nay, toàn tỉnh Phú Thọ có 13.557 bài thi môn Ngữ văn, 39.669 bài trắc nghiệm. Theo Giám đốc Nguyễn Minh Tường, ngày 28/6, Sở GD&ĐT Phú Thọ khai mạc ban Làm phách; ngày 29/6 khai mạc ban Chấm thi, dự kiến thời gian hoàn thành vào 8/7/2018, xong trước kế hoạch của Bộ GD&ĐT 4 ngày. Ban Chấm thi được chia làm 2 tổ, tổ tự luận và tổ trắc nghiệm, mỗi tổ có 1 tổ trưởng phụ trách. Các khâu trọng yếu đều có công an tham gia.
Chấm kiểm tra ít nhất 5% bài thi tự luận
Các địa phương rốt ráo trong tổ chức công tác chấm thi
Tiến hành chấm thi THPT quốc gia 2018, các Hội đồng chấm đều thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ GD&ĐT là bố trí đủ cán bộ chấm thi tự luận để thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi của mỗi môn thi, theo tiến độ chấm của Ban Chấm thi đúng với quy định của quy chế.
Mục đích của chấm kiểm tra bài thi tự luận nhằm giúp Trưởng ban Chấm thi phát hiện nhanh, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình chấm thi. Cuối mỗi buổi chấm thi hoặc khi cần thiết, Tổ trưởng Tổ Chấm kiểm tra báo cáo kết quả chấm kiểm tra, kiến nghị đề xuất với Trưởng ban Chấm thi về những vấn đề cần điều chỉnh (nếu có) đối với các Tổ Chấm thi, đối với cán bộ chấm thi.
Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ Nguyễn Minh Tường chia sẻ, trong công tác chấm thi, Sở GD&ĐT lưu ý phó trưởng ban và các ủy viên Ban Làm phách thực hiện cách ly tuyệt đối từ ngày 28/6/2018 đến khi chấm xong bài thi môn Ngữ văn. Tổ Xử lí bài thi trắc nghiệm làm việc độc lập với Tổ Chấm tự luận môn Ngữ văn; thực hiện theo phần mềm chấm thi của Bộ GD&ĐT.
Bộ phận chấm tự luận môn Ngữ văn có 1 Tổ Chấm kiểm tra, chấm ít nhất 5% số bài thi đã chấm để kịp thời rút kinh nghiệm, uốn nắn các sai sót trong khâu chấm thi. Việc vào điểm bài thi theo số phách trên phần mềm quản lý thi của Bộ GD&ĐT. Để kiểm tra độ chính xác của việc quản lý chấm thi bằng máy tính, tránh xảy ra sai sót trong khâu hồi phách và vào điểm thi, Ban Chấm thi tiến hành khớp phách ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi tự luận.
Với bài trắc nghiệm, việc quét Phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN) phải được giám sát chặt chẽ. Trước khi quét phải lập biên bản mở niêm phong. Sau khi quét phải lập biên bản 2 niêm phong. Các thành viên tham gia xử lý Phiếu TLTN tuyệt đối không được mang theo bút chì, tẩy vào phòng chấm thi và không được sửa chữa, thêm bớt vào Phiếu TLTN của thí sinh với bất kỳ lý do gì. Sau khi quét, tất cả Phiếu TLTN và Phiếu thu bài thi được niêm phong, lưu giữ và bảo mật tại đơn vị.