Từ 2 năm nay, trong số 5 môn/bài thi THPT quốc gia, chỉ có môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại theo hình thức trắc nghiệm khách quan nên việc huy động lực lượng chấm thi cũng đỡ áp lực (vì các môn/bài thi trắc nghiệm chấm bằng máy). Tuy nhiên, với số lượng bài thi nhiều như TP HCM, địa phương này phải huy động lực lượng lớn giáo viên (GV) chấm thi để bảo đảm gần 78.000 bài thi môn ngữ văn chấm xong đúng tiến độ.
Tăng tốc chấm thi
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-DT) TP HCM, cho biết sở đã huy động hơn 300 người làm phách ngay từ buổi thi cuối cùng, ngày 27-6. Ngày 30-6, hội đồng chấm chính thức làm việc để đến hết ngày 4-7 chấm xong, ngày 6-7 nộp kết quả về Bộ GD-ĐT. Để đạt được tiến độ đó, sở huy động hơn 700 GV đang trực tiếp giảng dạy lớp 12 tại các trường THPT tham gia chấm thi. Công tác chấm thi được thực hiện đúng theo quy trình nghiêm ngặt của Bộ GD-ĐT.
Tại tỉnh Bình Dương, từ cuối tuần qua, hội đồng chấm thi đã bắt đầu làm việc. Bà Trương Hải Thanh, Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương, cho biết năm nay, Sở GD-ĐT tỉnh huy động 84 GV chấm thi cùng 20 GV chấm kiểm tra môn ngữ văn. Quy trình chấm thi được thực hiện đúng theo quy chế của Bộ GD-ĐT.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Kạn Đoàn Văn Hương cho biết tỉnh đã huy động 70 người làm nhiệm vụ chấm thi. Trong đó, 31 GV có kinh nghiệm tham gia chấm bài thi tự luận là môn ngữ văn, 5 người tham gia chấm kiểm tra và 5 người tham gia xử lý bài thi trắc nghiệm cùng các đội ngũ phục vụ khác.
Riêng đối với bài tự luận, cán bộ chấm thi được chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm 15 người. Để bảo đảm cán bộ chấm thi không chấm bài của học sinh trường mình, mỗi nhóm sẽ làm việc trong 2 phòng dành cho cán bộ chấm thi 1, cán bộ chấm thi 2 và được chấm độc lập.
Tại nhiều địa phương khác, công tác chấm thi THPT quốc gia 2018 cũng được tiến hành khẩn trương. Ngay khi kỳ thi kết thúc đã tiến hành làm phách, tập huấn chấm thi và triển khai chấm thi sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án, hướng dẫn chấm. Lãnh đạo các sở GD-ĐT cho biết để bảo đảm tiến độ cũng như tính chính xác, khách quan trong chấm thi, các sở đã huy động số lượng lớn GV đang trực tiếp giảng dạy tham gia.
Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2018
Đáp án có "đất" cho thí sinh thể hiện
Ngay sau khi kết thúc môn thi ngữ văn, đã có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh đề thi và đáp án. Trong đó, chủ yếu là những băn khoăn về ngữ liệu đọc - hiểu, cách đặt vấn đề và độ khó của đề bài. Đặc biệt, nhiều người đã tỏ ra lo lắng, băn khoăn trước việc đáp án sẽ như thế nào trước một đề thi như thế.
ThS Lê Thị Kim Loan, GV môn văn Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TP HCM, cho rằng trước tiên phải thừa nhận những nội dung "có vấn đề" nhất trong đề thi là câu 4 phần đọc - hiểu, đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ và trọng tâm kiến thức trong câu nghị luận văn học. Đây là 3 nội dung mà dư luận quan tâm nhất và chờ đợi ở đáp án chính thức những phần trả lời theo đúng tinh thần mở đã được thể hiện ở đề thi.
Theo ThS Lê Thị Kim Loan, về cơ bản, đáp án có những "khoảng trắng" nhất định để thí sinh được phép bộc lộ suy nghĩ của mình. Câu số 4 trong phần đọc - hiểu yêu cầu thí sinh trình bày cách nghĩ về quan điểm của nhà thơ Nguyễn Duy qua đoạn trích. Đáp án cho phép thí sinh lựa chọn cả phù hợp hay không phù hợp với điều kiện là phải thuyết phục, hợp lý. Tương tự, đoạn văn nghị luận 200 chữ không giới hạn thí sinh theo một quan niệm cứng nhắc nào.
"Đáp án chỉ gợi ý một cách triển khai vấn đề khá khái quát. Đây là điểm tiến bộ của đáp án" - ThS Loan đánh giá. Tuy nhiên, ở góc độ cá nhân, ThS Loan lo ngại có khoảng cách giữa đáp án chính thức và thực tế tình hình chấm thi của các giám khảo. Theo bà Loan, cần có sự đồng thuận và thống nhất cao giữa các giám khảo, nhất là phải nhấn mạnh tinh thần mở đúng như đáp án đã nêu.
Cùng quan điểm này, GV dạy văn tại một trường THPT tại TP HCM cho rằng khi chấm thi, vấn đề là làm sao để giữ được sự công bằng và khách quan; sao cho những thí sinh đủ can đảm, đủ thông minh và sâu sắc, đủ tinh thần phản biện và tư duy độc lập, dám nghĩ, dám viết vẫn có thể đạt được điểm số xứng đáng như các thí sinh chịu khuôn mình trong "vùng an toàn". Chỉ khi giám khảo chấp nhận những tiếng nói trái chiều từ thí sinh, sự rộng mở từ đề thi và đáp án mới được triển khai đúng với tinh thần ban đầu.
Không cung cấp thông tin về nội dung bài thi
Kiểm tra công tác chấm thi tại tỉnh Bắc Kạn ngày 1-7, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) - lưu ý giám khảo chấm thi trước khi cắt túi bài thi phải xác định tình trạng niêm phong với đầy đủ các chữ ký của các thành phần liên quan và phải có biên bản. Ông Mai Văn Trinh cũng lưu ý cán bộ chấm thi tuyệt đối không được cung cấp thông tin về nội dung bài thi của thí sinh ra bên ngoài bằng bất cứ hình thức nào. Công tác chấm thi phải được thực hiện nghiêm túc với tinh thần trách nghiệm cao nhất.
Xem: