Công tác tư vấn hướng nghề hiệu quả, góp phần giúp học sinh sau tốt nghiệp THCS chọn học trường, ngành phù hợp. Trong ảnh: Học sinh lớp 9 dự kỳ thi tuyển sinh đầu vào lớp 10 THPT năm 2018.
Chuyển biến chậm
So với vài năm trước đây, hiện nay, nhiều phụ huynh đã chủ động hơn trong xác định việc học, chọn nghề nghiệp tương lai cho con em mình. Chị Nguyễn Thúy Hoa (quận Ninh Kiều) cho biết: “Con trai lớn của tôi vừa học xong lớp 9. Cháu học khá giỏi nhưng vì chọn sai nguyện vọng nên không trúng tuyển lớp 10 trường công lập. Tôi đã chọn và nộp hồ sơ cho cháu học trường tư, để cháu được học thêm ngoại ngữ, kỹ năng mềm. Gia đình tôi xác định quan trọng nhất vẫn là sau này cháu có định hướng nghề nghiệp phù hợp”.
Với nhiều phụ huynh, việc chọn trường cho con em sau tốt nghiệp THCS rất quan trọng bởi đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc vào đại học trong tương lai... Nhiều phụ huynh lẫn học sinh xem việc phải học ở trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề là việc chẳng đặng đừng. Anh N.V.M, ở quận Bình Thủy, cho biết: “Tôi hiểu rõ học lực con mình ở mức trung bình khá, nhưng đợt thi tuyển lớp 10 vừa rồi, do cháu và gia đình chủ quan trong chọn nguyện vọng nên cháu không trúng tuyển vào trường công lập. Dù vậy, gia đình chưa từng tính đến chuyện cho cháu học nghề hoặc học ở trung tâm giáo dục thường xuyên”.
Theo chủ trương phân luồng học sinh sau THCS, tỷ lệ học sinh đã tốt nghiệp THCS vào trường THPT công lập chỉ từ 70% đến 75% (đối với các quận) và 80% đến 85% (đối với các huyện). Ông Nguyễn Văn An, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cái Răng, cho biết: “Hiện nay, công tác phân luồng học sinh còn hạn chế. Trên lý thuyết, những học sinh không thể tốt nghiệp THCS hoặc không trúng tuyển vào lớp 10 trường THPT Trần Đại Nghĩa và Nguyễn Việt Dũng; sẽ theo học trường nghề hoặc ở trung tâm giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, nhiều học sinh không học tiếp, mà theo những con đường khác. Như vậy, áp lực sẽ dồn về công tác phổ cập giáo dục. Tuy nhiên, việc mở các lớp phổ cập cũng có quy định 15 học viên/lớp mới mở và thường thì không đủ sỉ số”.
Giải pháp nào?
Theo đại diện các địa phương, học sinh tốt nghiệp THCS không trúng tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập có thể học ở các trường nghề, trung cấp, cao đẳng nghề hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên quận, huyện. Hiện nay, thủ tục và yêu cầu đăng ký theo học các trường nghề khá thông thoáng, thuận tiện. Học sinh vừa học nghề, vừa học văn hóa. Sau khi tốt nghiệp, học sinh được nhận bằng nghề có giá trị tương đương tốt nghiệp THPT. Hầu hết các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố đều có mở các lớp ở nhiều ngành nghề, hình thức đào tạo đa dạng và linh hoạt. Đơn cử, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ có 3 ngành trung cấp (Nuôi trồng thủy sản, Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi thú y) tuyển thí sinh tốt nghiệp THCS; kể cả một số trường nghề, trung cấp nghề ở các quận, huyện,... cũng tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS hoặc tương đương. Học sinh theo học sẽ được miễn hoàn toàn học phí. Thế nhưng, công tác tuyển sinh ở cấp học này vẫn rất khó khăn.
Thực trạng học sinh không thiết tha học ở trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc trường nghề là vấn đề không mới. Ông Nguyễn Văn Chi, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thới Lai, cho rằng: “Các cấp của ngành giáo dục cần thường xuyên phối hợp với các trường trung cấp, trường nghề tổ chức quảng bá, hội thảo, đưa học sinh lớp 9 đến tham quan các trường đào tạo nghề. Từ đó, giúp học sinh định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực, kinh tế gia đình”. Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ, cho biết: “Vài năm trở lại đây, tuyển sinh ở các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp của TP Cần Thơ rất khó khăn; nhất là ở bậc trung cấp. Năm 2017, trường chỉ tuyển được khoảng 65% chỉ tiêu; trong đó bậc trung cấp tuyển được rất ít. Dự đoán năm nay, tình hình tuyển sinh không dễ dàng hơn. Nguyên nhân là vì tâm lý chung của học sinh, phụ huynh vẫn thích chọn vào đại học. Để khắc phục tình trạng này, đòi hỏi công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh ở các trường phổ thông phải thực sự hiệu quả. Muốn thế, cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh”.
Ông Trần Văn Kiệt, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, nhìn nhận: Trong các vấn đề bất cập trong giáo dục hiện nay, việc phân luồng học sinh sau THCS còn nhiều khó khăn, đòi hỏi các địa phương phải có giải pháp thiết thực để giải quyết. Các địa phương nên gửi báo cáo tổng hợp những đề xuất, kiến nghị để Ban Tuyên giáo gửi về Thành ủy Cần Thơ, cùng nghiên cứu đề xuất những chiến lược, giải pháp hữu hiệu.