Trong 814.779 bài thi tiếng Anh THPT quốc gia 2018 chỉ có 76 bài đạt điểm 10, điểm nhiều nhất là 3. Tại TP HCM, trong hơn 78.000 bài thi tiếng Anh THPT quốc gia, có đến 39.675 bài dưới 5 điểm. Trước đó, trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, TP HCM có đến 50% bài thi dưới điểm trung bình.
Dạy như máy, thiếu ứng dụng
Vì sao phổ điểm môn thi tiếng Anh luôn ở mức thấp dù chi phí cho việc dạy học môn này ở các bậc học luôn được đầu tư nhiều nhất? Đặc biệt TP HCM là địa phương được đánh giá cao về trình độ tiếng Anh, mức độ đầu tư trang thiết bị và trình độ giáo viên nhưng kết quả thi cũng không khả quan.
Thầy Đặng Thanh Huân, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), cho rằng có một thực tế là dù đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường nhưng phần lớn những phương tiện này còn nặng về trình diễn, không có tính ứng dụng và xuyên suốt.
Với đề thi tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh 10 vừa qua, thầy Huân cho rằng đề cực kỳ hay nhưng điểm thấp có nguyên nhân từ tâm lý của học sinh. Các em thiếu kỹ năng làm bài, làm một cách máy móc chứ không thật hiểu và không biết ứng dụng. Trong kỳ thi THPT quốc gia cũng vậy, đề thi chủ yếu rơi vào 2 phần ngữ pháp và đọc hiểu, phần đọc - hiểu chiếm 20/50 câu hỏi của đề thi nghĩa là đến 40% tổng điểm nhưng thí sinh lại mất điểm phần lớn ở phần này mà phần đọc hiểu cần nhất là kỹ năng làm bài.
Cũng theo thầy Huân, để việc học tiếng Anh hiệu quả, học sinh cần 3 yếu tố là vốn từ vựng, kỹ năng đọc hiểu và kiến thức nền. Thiếu bất cứ yếu tố nào trong này đều dẫn tới những kết quả không tốt. Chẳng hạn như trong đề thi vào lớp 10 vừa qua, mặc dù chủ điểm là bảo vệ môi trường, xoay quanh những từ vựng trong sách giáo khoa, rất đơn giản nhưng trong đề thi chỉ cần biến hóa, thay đổi một chút là học sinh đã lúng túng không làm được bài.
Thí sinh sau khi thi môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
"Điều này có lỗi của giáo viên trong quá trình giảng dạy, như không chủ động mở rộng cho học sinh. Hơn nữa kỹ năng làm bài, cách làm bài như thế nào cũng cần được giáo viên hướng dẫn cho các em" - thầy Huân nhận xét.
Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thanh Hương, giáo viên tiếng Anh hệ thống giáo dục Hocmai, nhìn nhận tiếng Anh luôn là môn có nhiều điểm thấp trong nhiều năm qua, cho thấy phương pháp học tập cũng như giảng dạy chưa thật sự nghiêm túc. "Phương pháp dạy của giáo viên còn cũ, chưa có sự đổi mới để kích thích sự thích thú về tiếng Anh cho học sinh ngoài việc dạy ngữ pháp, các quy tắc, cấu trúc câu... Sau đó thì học thuộc lòng như một cái máy, khá là nhàm chán. Đây cũng là lý do khiến môn tiếng Anh trở thành "cơn ác mộng" với học sinh"- cô Hương nêu thực tế.
Trình độ không đồng đều
Giáo viên tiếng Anh một trường THCS tại quận 3, TP HCM cho rằng nhìn vào phổ điểm tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, có thể thấy phổ điểm phân hóa rõ giữa nội thành và ngoại thành. Điểm thấp chủ yếu ở khu vực ngoại thành, các em mất căn bản nhiều, thế nên việc học chỉ mang tính đối phó, học chỉ để thi nên không có động cơ học tập.
Cô Nguyễn Thanh Hương lý giải điểm tiếng Anh của kỳ thi THPT quốc gia năm nay thấp kỷ lục do đề thi tăng độ khó, không chỉ kiểm tra về từ vựng mà câu hỏi hay bài đọc hiểu cũng chứa nhiều từ mới. Ngoài ra, trình độ tiếng Anh ở Việt Nam không đồng đều. Theo cô Hương, học sinh ở thành phố có xu hướng học ngoại ngữ tốt hơn ở các tỉnh lẻ vì có sự tiếp cận nhiều với internet, các dịch vụ tư vấn.
TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo, thừa nhận môn ngoại ngữ nhìn trong phạm vi cả nước thì sự chuyển biến chưa rõ nét. Tuy nhiên, theo ông Trinh, nếu đi vào phân tích sâu theo từng địa phương, từng vùng thì thấy rất rõ. Đối với những thành phố, thị xã có điều kiện học ngoại ngữ tốt thì kết quả thi của các em cao. Còn ở những vùng còn khó khăn thì sự chuyển biến về ngoại ngữ chưa rõ nét. Đó là thực tế và chứng tỏ phổ điểm đã phản ánh đúng.
Điểm lịch sử thấp kỷ lục do đổi mới cách ra đề
Nói về kết quả thi lịch sử thấp kỷ lục, ông Mai Văn Trinh cho rằng năm nay ban ra đề thi môn lịch sử đã có một bước chuyển về việc định hướng ra đề theo hướng đánh giá năng lực của thí sinh. Đề thi không yêu cầu học sinh phải ghi nhớ hay trả lời các câu hỏi máy móc theo khuôn mẫu có sẵn mà chú trọng về phần vận dụng kiến thức của lịch sử trong việc giải quyết vấn đề.
Ông Trinh cho rằng điều quan trọng là phải thay đổi phương pháp dạy học để làm sao môn lịch sử trở nên thân thiện hơn, học sinh học hứng thú hơn, giáo viên dạy hiệu quả hơn và từ đó dẫn đến kiến thức lịch sử tích lũy được, năng lực vận dụng lịch sử trong cuộc sống được nâng lên.