Thả nổi điểm sàn, đầu vào ĐH tụt dốc

Thứ hai, 16 Tháng 7 2018 10:14 (GMT+7)
Đúng như dự báo, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ quy định điểm sàn ĐH (ngoại trừ khối sư phạm) thì lập tức xảy ra tình trạng thả nổi điểm sàn, có trường ĐH chỉ lấy 11 điểm/3 môn

=>> XÉT TUYỂN ĐẠI HỌC SẼ "LOẠN"

Những ngày qua, nhiều trường ĐH công bố mức điểm sàn xét tuyển chỉ từ 11, 12 - thấp đến mức được cho là thê thảm nhất trong lịch sử giáo dục ĐH Việt Nam.

Đại học "2 điểm"

Đó là cách gọi của TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, sau khi một số trường công bố điểm sàn xét tuyển ĐH là 12 dựa theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia.

Trước tiên là Trường ĐH Xây dựng Miền Trung. Ngày 13-7, trường này công bố mức điểm sàn xét tuyển từ 11; đến ngày 14-7, trường điều chỉnh tăng mức điểm xét tuyển lên 12. Sau Trường ĐH Xây dựng Miền Trung, đến lượt Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng công bố mức điểm xét tuyển từ 12 cho 29/31 ngành đào tạo của trường, kể cả những ngành thuộc nhóm sức khỏe như điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật phục hồi chức năng.

TS Lê Trường Tùng cho rằng 12 điểm cho 3 môn, tức trung bình 4 điểm/môn. Trong khi đó, 4 điểm thi trắc nghiệm chỉ tương đương 2 điểm thi tự luận (làm được 20% số câu, 80% số câu còn lại đánh hú họa theo xác suất được 1/4 là 20% nữa).

Thả nổi điểm sàn, đầu vào ĐH tụt dốc - Ảnh 1.

Tư vấn tuyển sinh vào ĐH, CĐ cho thí sinh Ảnh: Tấn Thạnh

"Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) bỏ quy định điểm sàn chung cho các trường ĐH nhưng lẽ ra cơ quan này hoặc Bộ Y tế phải siết cả ngành y vì sư phạm và y tế là hai ngành tinh hoa. Trong lịch sử giáo dục ĐH Việt Nam, chưa bao giờ đầu vào thê thảm thế này. Mà lại là ngành y dược" - TS Tùng nhận xét.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, nhận định thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy năm 2017, với mức điểm sàn chung là 15,5 thì tỉ lệ thí sinh đạt mức điểm này so với chỉ tiêu là 1,61. Còn năm 2018, nếu lấy điểm sàn là 14,5 thì số dư tuyển sinh sẽ gần nhất với số dư năm 2017, tỉ lệ thí sinh đạt mức điểm này so với chỉ tiêu là 1,62. Như vậy, phân tích dữ liệu của bộ cho thấy nếu năm 2018 sàn là 14,5 điểm thì có thể coi là "tương đương" 15 điểm của năm 2017. Bởi lẽ, điểm ưu tiên đã giảm 1/2 (số thí sinh hưởng ưu tiên khoảng 83%).

"Năm 2017, việc tuyển sinh chung của các trường chỉ đạt khoảng 81% chỉ tiêu, song các trường luôn muốn tuyển đủ 100% chỉ tiêu. Vì vậy, dù điểm thi dùng để xét tuyển năm nay không biến động lớn, nguồn tuyển không giảm nhưng khả năng nhiều trường sẽ hạ thấp điểm sàn hơn mức của năm 2017 để đạt mục tiêu tuyển 100% chỉ tiêu là có thật" - ông Sơn phân tích.

Y dược, công an đều dự kiến giảm điểm chuẩn

Theo ông Lê Đình Tùng, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo ĐH Trường ĐH Y Hà Nội, phân tích dựa trên những dữ liệu được đăng tải thì điểm khối B năm nay thấp hơn các khối khác. Hội đồng tuyển sinh của trường nhận định ban đầu điểm trúng tuyển năm nay của trường có thể giảm so với năm 2017 từ 3-4 điểm. Về điểm sàn nhận hồ sơ, đối với những ngành bác sĩ, ngưỡng điểm sàn là 20, những ngành cử nhân là 18. Năm 2018, tổng chỉ tiêu vào trường là 1.120. Trong đó, có 500 chỉ tiêu đào tạo y đa khoa tại cơ sở chính, 100 chỉ tiêu đào tạo tại phân hiệu Thanh Hóa. Năm 2017, điểm chuẩn vào trường cao nhất là ngành bác sĩ đa khoa: 29,25; ngành răng hàm mặt là 28,75; thấp nhất là ngành y tế công cộng với 23,75 điểm.

Đại úy Nguyễn Mạnh Tuấn, Thư ký tuyển sinh Cục Đào tạo - Bộ Công an, cho biết do phổ điểm năm nay ở các khối đều nghiêng về hướng thấp nên dự báo điểm chuẩn vào các trường khối công an có thể giảm nhẹ so với năm trước. Năm 2018, chỉ tiêu vào các trường công an giảm hơn 300, chỉ còn 1.192 chỉ tiêu vào 5 trường Học viện An ninh Nhân dân, Học viện Cảnh sát Nhân dân, ĐH An ninh Nhân dân, ĐH Cảnh sát Nhân dân và ĐH Phòng cháy chữa cháy. Chính vì chỉ tiêu giảm mạnh trong khi số đăng ký xét tuyển rất đông nên dù điểm thi có nhiều biến động thì điểm chuẩn vào các trường công an cũng chỉ giảm nhẹ. 

Bộ GD-ĐT sẽ có động thái mạnh

Phát biểu với báo giới sáng 15-7, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, cho biết ngay sau khi các trường chính thức công bố theo lịch của Bộ GD-ĐT thì bộ cũng có các đoàn đi kiểm tra điều kiện bảo đảm chất lượng của trường. Nếu như điều kiện chất lượng không bảo đảm thì bộ sẽ có động thái mạnh để các trường hoặc là phải thay đổi điều kiện bảo đảm chất lượng hoặc đủ căn cứ sẽ cho giảm chỉ tiêu, dừng tuyển sinh để bảo đảm chất lượng cho cả hệ thống.

Nguồn: Huy Lân - Yến Anh - (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục