Trong bài "Chấm thi môn văn có đảm bảo quyền lợi thí sinh? đăng trên Báo Người Lao Động số ra ngày 28-6, tác giả đã thể hiện sự băn khoăn của mình trước nội dung đề thi và tiên lượng thí sinh sẽ có nhiều hướng tư duy khác nhau khi làm bài.
Băn khoăn không hiểu liệu rồi trong quá trình chấm thi các giám khảo trên cả nước sẽ xử lí tình hình, tháo gỡ những vướng mắc ấy như thế nào. Đến ngày 11-7 khi kết quả kỳ thi quốc gia được công bố thì ai cũng bất ngờ trước kết quả môn văn: Phổ điểm cao bất thường, cao chưa từng thấy trong các kỳ tuyển sinh ĐH hay thi THPT quốc gia từ trước tới nay. Một hệ quả từ đáp án mở mà thực chất là "bật đèn xanh" cho giám khảo chấm thi tha hồ "vận dụng" theo cách riêng của mình, có thể vượt ra ngoài biên độ, thậm chí là khác hẳn với đáp án.
Lâu nay chấm văn vốn là công việc dễ tạo "độ vênh" giữa các giám khảo. Quan điểm, cảm hứng văn chương giữa các giám khảo cũng có sự khác biệt đáng kể khiến có cặp chấm lệch nhau tới 3 điểm. Vì thế giới hạn của sự công bằng giữa các thí sinh trong xét tuyển ĐH khó có thể kiểm soát. Điều đáng lo ngại lớn hơn cho thế hệ trẻ năm nay là niềm tin đối với môn văn sẽ bị lung lay. Vì rõ ràng ranh giới giữa không học hoặc học tủ học lệch với học nghiêm túc; người có tố chất văn chương và người chỉ cần ghi nhớ máy móc là vô cùng mỏng manh, kết quả và thực lực vì thế cũng mâu thuẫn, thậm chí trái ngược nhau. Nhiều giám khảo phát biểu sau kì chấm thi: Với độ "mở thoải mái" của đáp án ở câu nghị luận xã hội như thế, thí sinh có thể nói ngược nói xuôi cũng đều có điểm bỏ túi. Trừ trường hợp bỏ giấy trắng mới bị điểm liệt. Bằng chứng là chỉ sau vài giờ đồng hồ kết quả kỳ thi quốc gia được công bố, nhiều bài viết, nhiều câu cảm thán về môn văn được đăng tải trên mạng xã hội thể hiện sự bất ngờ lớn về kết quả đạt được.
Còn nhớ năm 2015, trong số hơn 13.000 bài thi của cả hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa chỉ có hai bài đạt 9,5 và 9,0 điểm, chưa tới 20 bài đạt ngưỡng từ 8->8,75 và vài chục điểm 7-> 7,75. Thế mà trong kỳ thi năm 2018 này chỉ riêng một lớp của một trường THPT trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 42 học sinh thì hết 40 em đạt 7-> 9,25 điểm! Bốn thí sinh còn lại chỉ một em thấp nhất là 5,5 điểm, hai em 6,75 và một em 6,25 điểm.
Hay như tỉnh Nghệ An số học sinh đạt điểm 9 -> 9,5 có đến 150 em trong kỳ thi này! Cho dù có là mảnh đất giàu truyền thống văn chương nhưng rõ ràng kết quả ấy là bất thường. Bất thường này chắc chắn thuộc về khâu chấm thi. Vì đề thi năm nay không dễ.
Vậy giải thích thế nào? Tìm lý do ở đâu và cắt nghĩa ra sao cho thỏa đáng sự BẤT THƯỜNG ấy? Phải chăng thế hệ học trò 10X này giỏi văn đột biến nhưng lại dở những môn còn lại khiến điểm 10 tuyệt đối thưa vắng? Có phải vì độ mở của đáp án môn văn quá lớn khiến giám khảo thỏa sức phóng bút? Vậy thì xin trở lại câu hỏi: Mục đích kỳ thi này là gì? Riêng về khâu đánh giá chất lượng học tập của học trò, mục đích chính của kỳ thi thì xem ra phập phù, thiếu chính xác và khó thuyết phục.