Đóng cửa một số ngành
Bà Trần Thị Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Miền Tây TP Cần Thơ, cho biết: “3 năm gần đây, tuyển sinh của các trường trung cấp nói chung, của trường nói riêng đã rất khó, dự đoán năm nay càng ngặt nghèo. Đến thời điểm này, trường chưa nhận được bất cứ hồ sơ xét tuyển nào của thí sinh dự tuyển trung cấp”. Từ năm 2012 đến năm 2015, mỗi năm trường tuyển được khoảng 1.000 học sinh. Khi đó, quy mô đào tạo của trường là trên 3.000 học sinh các khối ngành: kinh tế, sức khỏe, xây dựng… Năm 2016, trường tuyển được vài trăm học sinh; năm 2017 còn số này chỉ còn lại vài chục và mất hẳn nguồn tuyển học sinh tốt nghiệp THPT. Theo bà Trần Thị Thanh Bình, khoảng 3 năm nay, trường phải ngưng mở khối ngành kinh tế, xây dựng vì không đủ sỉ số. Giờ trường chỉ còn hơn 200 học sinh đang học trung cấp chính quy các ngành y, dược, điều dưỡng; hơn 1.200 học viên học liên thông cao đẳng và đại học, do trường liên kết với các trường đại học đào tạo.
Học sinh sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ tham dự Ngày hội việc làm. Đây là một trong giải pháp giải quyết hiệu quả “đầu ra” cũng như thu hút đầu vào đối với thí sinh. Ảnh: B.KIÊN
Một số trường trung cấp khác trên địa bàn thành phố cũng rơi vào tình trạng tương tự. Số ít trường tuy khởi sắc trong 2 năm gần đây nhưng vẫn lo lắng vì nguồn tuyển. Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ thành lập từ năm 2009. Những năm qua, trường tuyển sinh rất khó khăn. Theo bà Trần Thị Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường, từ năm 2017, công tác tuyển sinh của trường đã dần khởi sắc. Hiện tại, trường đã nhận được gần 100 hồ sơ dự tuyển, trong khi chỉ tiêu tuyển năm nay là 400 học sinh cho 11 ngành. Tuy nhiên, trường vẫn không chủ quan vì việc thiếu nguồn tuyển luôn là nỗi lo chung của trường trung cấp.
Ngay cả một số trường cao đẳng lâu năm, có đào tạo bậc trung cấp, cũng đang gặp khó khăn về nguồn tuyển sinh. Theo Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, vài năm gần đây, số học sinh dự tuyển vào các ngành trung cấp rất ít. Do đó, năm 2018 trường chỉ tuyển sinh cho 15 ngành cao đẳng; không tuyển sinh các ngành trung cấp, trừ 3 ngành trung cấp tuyển đối tượng tốt nghiệp THCS, theo chủ trương phân luồng học sinh phổ thông. Trường Cao đẳng Cần Thơ cũng vậy. Ông Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, năm 2017, trừ 2 ngành trung cấp sư phạm (Mầm non, Tiểu học) thì các ngành trung cấp còn lại không tuyển đủ người học. Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2018, trường không tuyển trung cấp sư phạm.
“Thập diện” khó khăn
Bà Trần Thị Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Miền Tây TP Cần Thơ, cho rằng: Nguồn tuyển sinh trung cấp không nhiều, trong khi trên địa bàn thành phố lại có rất nhiều trường đào tạo bậc trung cấp với các ngành nghề đa dạng. Học sinh đổ về các trường cao đẳng công lập là dễ hiểu. Lại thêm, Bộ Y tế quy định từ năm 2021 sẽ hủy bỏ và chấm dứt tuyển nhân viên y tế trình độ trung cấp, khiến các trường trung cấp có đào tạo khối ngành sức khỏe tuyển sinh chật vật hơn.
Theo bà Trần Thị Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, hiện nay cánh cửa đại học quá rộng mở. Một số trường đại học có nhiều hình thức xét tuyển, từ kết quả thi THPT quốc gia lẫn học bạ, nên học sinh có nhiều sự lựa chọn hơn. Trong khi tâm lý chung của phụ huynh, học sinh vẫn muốn theo đại học. Do đó, cần có sự phối hợp đồng bộ của gia đình, toàn xã hội trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông. Mặt khác, bản thân các trường trung cấp đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp, giải quyết đầu ra cho học sinh sau khi tốt nghiệp; mở ngành nghề mà xã hội đang cần, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lao động... để thu hút thí sinh.
Thực tế, lâu nay, nguồn tuyển của các trường trung cấp, nghề phần lớn là những thí sinh không đủ điểm sàn xét tuyển vào cao đẳng, đại học; kể cả đối tượng sau THCS. Thế nhưng, số học sinh sau THCS đi học trung cấp, nghề không nhiều; còn nguồn thí sinh không đủ điểm sàn xét tuyển cao đẳng, đại học bị hút về một số trường đại học- nhất là đại học ngoài công lập- có xét tuyển bằng kết quả học bạ;…
Theo ông Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ, năm 2018, trừ khối ngành sư phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào; lại thêm thông tin tuyển sinh các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khó tiếp cận đến học sinh THPT. Đó cũng là lý do khiến các trường gặp khó về nguồn tuyển. Ông Tâm đề xuất: Bên cạnh sự nỗ lực đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo của trường; cần giải quyết tốt “đầu ra” cho học sinh sinh viên sau tốt nghiệp, thông qua tổ chức ngày hội việc làm, liên kết với doanh nghiệp. Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có giải pháp phù hợp để thông tin tuyển sinh của các trường đến học sinh phổ thông một cách hiệu quả, giúp các em chọn lựa trường, ngành nghề phù hợp.