Năm 2015 và 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cho các trường ĐH chủ trì, các sở GD-ĐT địa phương tham gia phối hợp. Hai năm nay, vai trò đó đã thay đổi khi trường ĐH tham gia với vai trò phối hợp tổ chức coi thi, việc chấm thi do sở GD-ĐT thực hiện có sự giám sát của công an, thanh tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT, nhưng lực lượng này rất mỏng, tiêu cực rất dễ xảy ra.
Lực lượng giám sát quá mỏng
Ông Hứa Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, nhận định khâu coi thi hoàn toàn yên tâm vì ngoài lực lượng giám thị của các trường ĐH, CĐ phối hợp cùng tham gia thì 8/9 môn đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh 1 mã đề khác nhau nên ngay cả khi coi thi lỏng lẻo thí sinh cũng không có thời gian để quay cóp, gian lận. Vấn đề còn lại ở khâu chấm thi.
Giáo viên chấm thi THPT quốc gia 2016 tại Trường ĐH Sài Gòn Ảnh: TẤN THẠNH
Cán bộ một trường ĐH tham gia khâu chấm thi ở vai trò thanh tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT cho rằng trong quy trình của Bộ GD-ĐT, ở khâu nào cũng có bộ phận giám sát nhưng vẫn chưa đủ sức ngăn tiêu cực. Nếu việc thực hiện hành vi tiêu cực có chủ đích, có hệ thống thì rất khó ngăn ngừa. Ở Hà Giang, hành vi tiêu cực thực hiện sau khi scan (quét) bài thi gửi về Bộ GD-ĐT, nếu việc thay đổi đáp án diễn ra trước khi scan bài thì bộ cũng rất khó phát hiện. Không riêng Hà Giang mà có thể ở nơi khác cũng xảy ra tiêu cực nhưng tinh vi hơn.
Nên chấm theo cụm do Trường ĐH chủ trì
Cho đến thời điểm này, hầu hết các trường ĐH đều xét tuyển dựa theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Kết quả kỳ thi trung thực, khách quan sẽ phản ánh đúng chất lượng thí sinh. Tuy nhiên, sự việc xảy ra ở Hà Giang đã ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của các trường ĐH về độ chính xác của khâu chấm thi.
Công tác chấm thi nên giao cho trường ĐH như trước kia hay vẫn tiếp tục giao cho địa phương? Chấm chéo hay chấm theo cụm để bảo đảm kết quả chính xác? PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng kỳ thi THPT quốc gia nên để cho trường ĐH chủ trì như 2 năm đầu tổ chức bởi trường ĐH dùng kết quả kỳ thi để xét tuyển. Theo đó, khâu chấm thi phải do các trường ĐH đảm nhiệm thì kết quả mới đáng tin cậy.
Phó hiệu trưởng một trường ĐH khác cho rằng quy trình Bộ GD-ĐT đưa ra đã rất chặt chẽ. Năm nay, việc niêm phong bài thi ngoài chữ ký của 2 giám thị còn có chữ ký của trưởng điểm và phó điểm (của trường ĐH). Sự cố xảy ra do thanh tra ủy quyền và lực lượng công an giám sát chưa làm hết chức trách. Với khâu chấm thi, vấn đề lo ngại nhất là thay đổi đáp án trực tiếp trên bài làm. Do vậy, cần bảo đảm tuyệt đối nghiêm túc trong khâu mở niêm phong bài thi và scan dữ liệu gửi về bộ. Khi bộ đã nắm được bản chụp gốc thì vấn đề còn lại không đáng lo. Hiện nay, bộ quy định sở GD-ĐT chấm nhưng kỳ thi tới có thể chuyển bản chụp đến các trung tâm chấm thi hoặc chuyển cho trường ĐH chấm chéo. Nếu kết quả chấm của các bên mà so dò không khớp thì kiểm tra lại. Việc này sẽ ngăn chặn được tiêu cực mà không cần phải đưa về trường ĐH chủ trì.
Để bịt lỗ hổng có thể dẫn đến tiêu cực, TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Bộ GD-ĐT, đề xuất sau khi thi và quét ảnh xong thì cần lập tức truyền file về bộ. Nếu Bộ GD-ĐT cũng chấm độc lập trên file ảnh này (đĩa CD1) thì quá hay. Những trường hợp lỗi khi kiểm dò thì xử lý sau. Ông cũng đưa ra phương án tổ chức chấm theo cụm (theo vùng miền) do trường ĐH chủ trì, tức là sau khi thi xong thì niêm phong ngay túi bài thi, chuyển về chấm theo cụm.
Gian lận vì tính chất kỳ thi sinh tử
Nghiên cứu sinh Bùi Thị Như Huyền, Trường ĐH Kỹ thuật Swinburne (Úc), cho biết tại Úc, để vào được một trường ĐH, học sinh phải phấn đấu suốt cả một quá trình chứ không phải trải qua một kỳ thi sinh tử như ở Việt Nam. Chính vì áp lực không dồn hết vào kỳ thi sinh tử như thế nên không có động cơ cho gian lận thi cử tại quốc gia này. Cũng theo bà Huyền, để vào được một trường ĐH nào đó thì điểm thi của thí sinh chỉ tính khoảng 30-50% tùy từng môn, còn lại là điểm trong suốt quá trình học tập từ lớp 10-12. Do vậy, học sinh phải phấn đấu cả năm chứ không phải chỉ một kỳ thi. Trong suốt quá trình, bằng nhiều phương pháp khác nhau, Bộ Giáo dục có phương pháp đánh giá, điều chỉnh, xếp hạng các trường sao cho quy trình tuyển sinh được công bằng nhất.