Nhiều giáo viên mắc bệnh…quyền lực

Thứ hai, 06 Tháng 8 2018 16:18 (GMT+7)
Thực tế có nhiều giáo viên (GV) hiện nay mắc bệnh quyền lực. Nếu GV được giải tỏa tâm lý thì không những truyền được cảm hứng tích cực cho học sinh mà còn góp phần đẩy lùi bạo lực học đường

Khi vụ việc bạo hành học sinh ở nhà trẻ Mầm Xanh còn chưa nguôi ngoai thì các bậc phụ huynh và cả xã hội lại một phen bàng hoàng với việc bé 5 tuổi bị bảo mẫu đánh, tát vào mặt ở huyện Bình Chánh TP HCM. Câu hỏi muôn thuở lại đặt ra, không biết đến bao giờ môi trường giáo dục mới không còn xuất hiện những tin bàng hoàng như thế?

Tại buổi tập huấn "Quản lý cảm xúc trong giao tiếp" do Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 (TP HCM) tổ chức, thạc sĩ Hồ Nguyễn Thụy Anh, giảng viên Trường Phát triển tài năng và tính cách John Robert Powers giải thích: Trong thời đại 4.0 như hiện nay, người thầy không còn đơn thuần chỉ là người truyền đạt kiến thức nữa. Vai trò của người thầy cần phải thay đổi, vừa là người truyền đạt nhưng đồng thời là gợi mở, dẫn dắt học sinh. Thế nhưng, nhiều GV lại chưa thay đổi được vai trò của mình, nghĩ rằng mình vẫn rất quyền lực, độc tôn trong lớp học. Trong khi đó, nhiều GV chịu áp lực từ cuộc sống, công việc cộng với sự chưa chuẩn bị thay đổi vai trò trong lớp học nên giáo viên dễ bị bùng phát, mất kiểm soát trong cảm xúc của mình từ đó dẫn đến những hành động mang tính bản năng vi phạm quy định về đạo đức, pháp luật. Trong một thời gian dài, các trường học chỉ chú trọng bồi dưỡng phương pháp học, giảng dạy mà bỏ qua những yếu tố tâm lý, không có một công cụ nào để giáo viên giải quyết vấn đề tâm lý, cảm xúc của mình.

Nhiều giáo viên mắc bệnh…quyền lực - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến cho rằng nhiều GV mắc bệnh quyền lực

Không có GV nào được dạy mình có quyền đánh, mắng học sinh và họ cũng thừa biết việc làm đó là vi phạm pháp luật, thế nhưng nhiều GV vẫn làm. Bằng chứng là từ đầu năm 2018 đến nay, liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành trẻ em, GV chửi học sinh, phụ huynh, học sinh đánh GV,…Nhiều GV trẻ khi đứng trước vành móng ngựa vì tội bạo hành trẻ em với giọt nước mắt hối hận chỉ vì không kiếm soát được cảm xúc nóng giận nhất thời. Và những cảm xúc này nếu không được hóa giải sẽ dần hình thành nên một thói quen, một cách ứng xử không lành mạnh trong môi trường giáo dục.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, quận 10 (TP HCM) chia sẻ: "Kỹ năng quản lý cảm xúc GV trong môi trường sư phạm đang ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn, đặc biệt trong thời đại giáo dục 4.0. Không những truyền được cảm hứng tích cực cho học sinh mà còn góp phần đẩy lùi tệ nạn học đường, tạo cảm giác bình an cho cả người học và người dạy".

Nguồn: Kim Anh - (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục