Cần siết chặt tổ chức thi và chấm thi

Thứ ba, 07 Tháng 8 2018 15:07 (GMT+7)
Có nên tiếp tục tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa tuyển sinh đại học? Đó là vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019, vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức. Hầu hết các đại biểu đều cho rằng Kỳ thi THPT Quốc gia như vừa qua vẫn nên được duy trì, vấn đề là siết chặt khâu tổ chức và chấm thi để đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh.

Thí sinh Cần Thơ dự Kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Ảnh: B.NG

Giảm áp lực thi cử

Nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT đã liên tục cải tiến thi THPT, xét tuyển đại học bằng những kỳ thi “2 chung”, “3 chung”; đến năm 2015 một hình thức thi mới được triển khai: Kỳ thi “2 trong 1” với kết quả dùng để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển đại học, được áp dụng đến nay. Sự đổi mới của Bộ GD&ĐT nhằm mục tiêu thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ theo Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Kỳ thi THPT Quốc gia những năm qua đã nhận được sự đồng tình của xã hội. Theo bà Vũ Thị Liên Oanh, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh, việc tổ chức một Kỳ thi THPT Quốc gia hiện nay là phù hợp với thực tế. Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, cho rằng: Cần duy trì Kỳ thi THPT Quốc gia như hiện nay vì giảm chi phí, giảm áp lực thi cử cho học sinh và gia đình thí sinh.

Thực tế, khoảng 5 năm trước, mỗi năm vào tháng 7, TP Cần Thơ đón hàng chục ngàn đến trăm ngàn học sinh, phụ huynh từ các tỉnh, thành ĐBSCL tham dự kỳ thi đại học. Nhiều thí sinh khăn gói lên trung tâm thành phố tìm chỗ ăn, ở, phòng thi và chi phí cho kỳ thi trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình, đặc biệt ở vùng nông thôn. Phía thành phố phải huy động toàn hệ thống chính trị, nhiều nguồn lực nhà nước và xã hội để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, an toàn giao thông… “Tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia như hiện nay được lãnh đạo, nhân dân thành phố tin tưởng và đồng thuận vì ít tốn kém chi phí, thời gian và đảm bảo chất lượng”- ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, nói.

Siết chặt tổ chức thi, chấm thi

Không thể phủ nhận tính ưu việt của kỳ thi được tổ chức trong 3 năm qua, nhưng tình trạng tiêu cực trong khâu chấm thi đang bị phanh phui và xử lý ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đang làm nảy sinh luồng kiến nghị nên để các trường đại học tự tuyển sinh, để đảm bảo công bằng cho thí sinh và chất lượng nguồn tuyển. Nếu vẫn duy trì Kỳ thi THPT Quốc gia như hiện nay, thì có nhiều vấn đề cần phải được xem xét và tổ chức lại.

Theo Giáo sư Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Kỳ thi THPT Quốc gia không thể thiếu sự tham gia của các trường đại học trong việc coi thi. Về công tác chấm thi, Bộ cần nghiên cứu tổ chức chấm chéo hoặc tổ chức chấm theo cụm. Khâu thiết kế và chấm bài thi trắc nghiệm phải có sự cải thiện về mặt công nghệ thông tin. Giáo sư Trần Thọ Đạt đề xuất: Trường ủng hộ tổ chức kỳ thi này đến hết năm 2020. Song, đề thi phải đảm bảo sự phân hóa nên bộ phận ra đề cần rút kinh nghiệm, cũng như nghiên cứu kỹ phổ điểm và có bộ phận thử nghiệm. Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang, cho rằng: Kỳ thi vào năm sau, Bộ nên bổ sung, khắc phục những hạn chế. Ông Lê Văn Tâm nói thêm: Những tiêu cực xảy ra ở một số địa phương vừa qua gây bức xúc trong xã hội. Vì vậy cần nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh các khâu tổ chức thi và chấm thi.

Trao đổi bên lề hội nghị, Giáo sư Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng thời gian qua, Bộ GD&ĐT liên tục cải tiến kỳ thi THPT và xét tuyển đại học. Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay xảy ra tiêu cực, thể hiện sự lơ là, thiếu giám sát ở một vài đơn vị. Bộ cũng như các ban ngành liên quan chắc chắn sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm, tiếp tục cải tiến kỳ thi. Đề thi cần phải đảm bảo tính phân hóa nhằm xét tuyển đại học, nhưng vẫn tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp THPT. Ông Toàn đề nghị: Khâu tổ chức thi, chấm thi phải có sự giám sát chặt chẽ của địa phương, kể cả các trường đại học, giúp các trường đại học tự tin chấp nhận kết quả, đảm bảo “đầu vào”. 

Nguồn: B.KIÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục