Thí sinh sợ trượt oan vì gian lận điểm

Thứ ba, 14 Tháng 8 2018 09:32 (GMT+7)
Các chuyên gia khẳng định không có chuyện thí sinh trượt oan chỉ vì vài trường hợp sửa điểm và nếu "trót lọt", các thí sinh gian lận cũng không thể học nổi chương trình đại học

Trong khuôn khổ chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2018", Báo Người Lao Động tổ chức buổi giao lưu trực tuyến: "Cơ hội nào cho nguyện vọng bổ sung?" vào sáng 13-8. Chương trình tư vấn được sự tài trợ của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường CĐ Bách Việt và Trường ĐH Lạc Hồng.

Tiêu cực thi cử có ảnh hưởng đến xét tuyển?

Trước câu hỏi của thí sinh về cơ hội xét tuyển vào nhóm ngành cao nhất trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung (NVBS) này, TS Lê Thị Thanh Mai - Trưởng Ban Công tác sinh viên ĐHQG TP HCM - nhận xét đây là câu hỏi hay và khó, vì hôm nay (13-8), các trường bắt đầu công bố xét tuyển bổ sung đối với những ngành còn chỉ tiêu.

"Chia sẻ với em một số nguyên tắc chung trong đợt xét tuyển bổ sung mà các em cần lưu ý để tăng cơ hội trúng tuyển: Ngành có mức điểm chuẩn năm 2017, điểm chuẩn đợt 1 không quá chênh lệch với điểm thi năm nay của em; ngành còn nhiều chỉ tiêu; ngành thuộc các chương trình liên kết quốc tế và quan trọng nhất đó phải là ngành thuộc những ngành mà phù hợp với sở thích của mình" - TS Thanh Mai lưu ý.

Ban tư vấn nhận được câu hỏi khá "hóc búa" của thí sinh: "Liệu việc sửa, nâng điểm ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có ảnh hưởng đến độ tin cậy, chính xác và công bằng trong xét tuyển của các trường ĐH? Giờ em và nhiều bạn đã trượt NV1, liệu tụi em có bị trượt oan NV2 vì các bạn đó?". TS Lê Thị Thanh Mai cho rằng việc nâng điểm không phải là số đông và đang được ngành giáo dục xử lý. Thông thường, các trường gọi trúng tuyển luôn căn cứ chỉ tiêu, tỉ lệ nhập học những năm qua để quyết định số gọi nhập học hằng năm, thường là cao hơn chỉ tiêu. Vì vậy, không có trường hợp thí sinh bị trượt oan, chỉ do các trường không có đủ chỗ để đáp ứng nhu cầu. Nếu các vụ gian lận "trót lọt" thì những thí sinh đó cũng không thể học nổi chương trình ĐH.

Thí sinh sợ trượt oan vì gian lận điểm - Ảnh 1.

Đại diện các trường tham gia buổi giao lưu trực tuyến sáng 13-8. Ảnh: TẤN THẠNH

Nhiều ngành "hot" đợi thí sinh

Đại diện các trường ĐH, CĐ cho biết nhiều ngành đang có nhu cầu nhân lực cao vẫn đang được xét tuyển trong đợt bổ sung này, với cả hai phương thức: qua học bạ và kết quả thi THPT quốc gia. Đông đảo nhất phải kể đến khối ngành y, dược với khoảng 20 câu hỏi liên quan. PGS-TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết trường có xét tuyển bổ sung thuộc khối ngành công nghệ kỹ thuật, kinh doanh và quản lý, khoa học xã hội và ngôn ngữ quốc tế, một số ngành thuộc khối y - dược.

Ngành truyền thông, tổ chức sự kiện cũng được thí sinh quan tâm trong đợt xét tuyển bổ sung này. Bà Phạm Thị Vân, Trưởng Bộ phận Tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến, nhìn nhận đối với khoa quan hệ công chúng và truyền thông, cơ hội nghề nghiệp mở rộng. "Sau khi ra trường các em có thể trở thành nhà báo chuyên nghiệp, nhân sự truyền thông để xây dựng và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp trong và ngoài nước". Trường xét tuyển bổ sung ngành này với thí sinh đạt từ 14 điểm thi THPT quốc gia đồng thời xét học bạ.

TS Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cho biết trường ông cũng tuyển sinh ngành quan hệ công chúng do đây là ngành cần nhiều nhân lực vì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có liên hệ với cộng đồng. Thạc sĩ Đoàn Việt Anh, Phó Ban Tuyển sinh Trường ĐH Lạc Hồng, thông báo đối với ngành truyền thông, trường này xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia từ 14 điểm.

Ngoài ra, thí sinh còn quan tâm đến các ngành "hot" như an toàn thông tin. Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp của Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, trường đang xét tuyển bổ sung ngành này bằng học bạ với mức điểm 3 năm THPT từ 20. "Đây là ngành quan trọng trong nhóm ngành công nghệ thông tin nên nhu cầu tuyển dụng ở các doanh nghiệp là rất cao" - ông Sơn nói.

Bên cạnh đó, nhiều thí sinh băn khoăn vì ngành mình muốn chọn ở đợt đăng ký NVBS lại đang có xu hướng khó tìm việc. Nói về ngành sư phạm mầm non, thạc sĩ Đường Anh Tân, Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho rằng trước hết thí sinh cần kiểm tra xem bản thân có năng lực thực sự với ngành này không, qua những biểu hiện: Có năng khiếu ca, múa, hát, diễn thuyết, làm trò vui cho các em mầm non; đam mê chăm sóc, yêu thương con trẻ. 

Được đổi tổ hợp xét tuyển

Tại buổi giao lưu, các chuyên gia đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích về cách thức xét tuyển NVBS. TS Thanh Mai cho biết theo quy định về việc xét tuyển NVBS thì sẽ do trường quyết định về cách xét tuyển, nên thí sinh hoàn toàn có thể thay đổi tổ hợp xét tuyển theo nguyện vọng cũng như được quyền chọn nhiều trường để xét tuyển. Những thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 sẽ không còn "giấy thông hành" để tham gia xét tuyển đợt bổ sung. Ở đợt xét tuyển bổ sung, đăng ký trực tuyến là đăng ký qua cổng thông tin của trường. Do đó, thí sinh vào trang web của trường tương ứng và làm theo hướng dẫn.

Nguồn: LÊ THOA - (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục