Mới đây, phiên họp của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã thu hút sự chú ý của dư luận về lịch học vào thứ 7 ở nhiều cơ sở giáo dục phổ thông hiện nay chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội.
Thường trực Ủy ban đề nghị cân nhắc không tổ chức dạy học vào thứ 7 ở các cơ sở giáo dục phổ thông. Cơ sở của đề xuất này xuất phát từ việc các gia đình người học và giáo viên, việc dạy và học vào thứ 7 ảnh hưởng đến kế hoạch thời gian chung của gia đình, khi đại bộ phận người lao động nghỉ làm việc vào thứ 7 và Chủ nhật.
Tuy nhiên, trên thực tế đề xuất này đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối, đặc biệt là những người làm việc ngoài các cơ quan công lập. Anh Bùi Việt Tuấn, một người đang làm việc tại Khu công nghiệp Nội Bài, Hà Nội là một ví dụ tiêu biểu. Theo anh Tuấn, cả 2 vợ chồng anh đều làm công nhân và có con đang học lớp 7, với đặc thù công việc phải làm cả thứ 7 thì sẽ không có ai giúp cho vợ chồng anh quản lý con của mình.
“Phần đa những người làm công nhân đều phải làm cả ngày thứ 7, thậm chí có khi làm cả Chủ nhật nếu cơ quan nhiều việc. Việc cho con nghỉ ngày thứ 7 thì sẽ vô cùng khó khăn cho chúng tôi trong việc trông con. Nếu cho con nghỉ ngày đó chẳng lẽ chúng tôi lại cho cháu đi học thêm để có người quản lý?”, anh Tuấn băn khoăn.
Chị Hoàng Thùy (Hà Đông, Hà Nội) lại có quan điểm khác, theo chị, trước đây, khi hai con còn học tiểu học, gia đình chị thường lên kế hoạch đi về quê, thăm họ hàng, dã ngoại, nghỉ ngơi... vào hai ngày cuối tuần. Cả nhà có thời gian dành cho nhau, gắn kết, con được trải nghiệm... Nhưng hơn một năm nay, khi con gái đầu lên cấp 2 thì những điều tuyệt vời này đã không còn vì con học thứ 7.
“Việc sắp xếp thời gian học hợp lý với sinh hoạt của phần đông gia đình rất quan trọng đến sự phát triển của trẻ. Giờ cuộc sống áp lực, bố mẹ đi làm, con đi học suốt ngày, những ngày cuối tuần rất quan trọng đối với mọi người. Tôi thiết nghĩ nếu như sắp xếp để các con có thể nghỉ vào 2 ngày cuối tuần sẽ rất hợp lý, hơn nữa nó còn phù hợp với chủ trương giảm tải chương trình học của ngành giáo dục hiện nay”, chị Thùy nói.
Trong khi đó, đại diện các phía các cơ sở giáo dục cũng có những ý kiến trái chiều. Ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên, cho rằng: “Đối với địa phương còn khó khăn, đặc biệt về cơ sở vật chất thì đề xuất nghỉ thêm ngày thứ bảy sẽ có bất cập, bởi để đảm bảo đủ số tiết trong 5 buổi học các địa phương sẽ phải cho học 2 buổi/ngày. Những địa phương khó khăn về cơ sở vật chất phải dồn phòng học, như vậy sẽ rất khó khăn để đáp ứng”.
Hỏi về tính khả thi của đề xuất này khi Chương trình Giáo dục phổ thông mới triển khai, ông Phê nói: “Chương trình mới đã cắt bớt được nhiều kiến thức lý thuyết, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều thời gian cho các hoạt động thực tế. Nếu như các trường cân đối được thì có thể áp dụng được, nhưng tôi vẫn e rằng độ khả thi là không lớn”.
Một Trưởng phòng GD&ĐT tại Hà Nội thì lại cho rằng điều này là có thể thực hiện và nó phù hợp với mong muốn của giáo viên, học sinh và phụ huynh, vị này nói: "Nếu nghỉ ngày thứ 7 thì có khả năng thực hiện được, nhưng đối với khối 9 năm nay tăng tiết tiếng Anh thì học sinh sẽ hơi vất vả. Hiện giờ, chúng tôi có gần 60% học sinh THCS đang học 2 buổi/ngày, nếu như các cơ sở giáo dục bố trí được việc học 2 buổi trên ngày được thì việc được nghỉ thứ 7 sẽ rất hợp lý".