9 nhiệm vụ, 5 giải pháp cho năm học mới

Thứ hai, 20 Tháng 8 2018 10:02 (GMT+7)
Bộ GD-ĐT chỉ đạo thực hiện điều chỉnh về kỹ thuật một số khâu trong quy trình tổ chức thi THPT quốc gia để đảm bảo kết quả thi khách quan, công bằng. Đó là một trong những nội dung của chỉ thị về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018-2019 của ngành giáo dục do Bộ GD-ĐT ban hành.

Theo đó, căn cứ tình hình thực tiễn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ thị toàn ngành giáo dục ưu tiên tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm học 2018-2019. Về phương hướng chung, Bộ yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; thực hiện nghiêm kỷ cương, nền nếp, dân chủ trong trường học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Giáo dục mầm non tập trung phát triển trường, lớp ở khu công nghiệp, khu chế xuất; kiên quyết chống hành vi bạo hành trẻ và khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

Giáo dục phổ thông tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1; nâng cao chất lượng kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện, đặc biệt là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia; đổi mới cơ chế quản lý trong các trường phổ thông.

Giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên; tăng tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

Giáo dục thường xuyên tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên sau sáp nhập; chấn chỉnh các trung tâm ngoại ngữ, tin học, đào tạo từ xa hoạt động không đúng quy định.

Trong đó, Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ 9 nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2018 – 2019 gồm: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sởgiáo dục và đào tạo trong cả nước; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đổi mới giáo dục giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục; đẩy mạnh giao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đối với các cơ sởgiáo dục và đào tạo; hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

5 giải pháp cơ bản cho năm học mới

Từ đó, Bộ GD-ĐT đưa ra 5 giải pháp cơ bản gồm: Hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về giáo dục và đào tạo; Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; tăng cường công tác khảo thí, kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục; đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo.

Trong giải pháp tăng cường công tác khảo thí, kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục, Bộ chỉ đạo cần tăng cường công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ, việc cấp các văn bằng này; tiếp tục duy trì ổn định phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, thực hiện điều chỉnh về kỹ thuật một số khâu trong quy trình tổ chức thi để đảm bảo kết quả thi khách quan, công bằng; đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, công khai điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định; tiếp tục thực hiện các chương trình đánh giá quốc gia và đánh giá quốc tế…

Nguồn: Lê Thoa - (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục