Tăng đột biến
Theo báo cáo của sở GD&DT TP.HCM, năm học mới 2018-2019, TP.HCM tăng hơn 67.234 học sinh (bao gồm cả công lập và ngoài công lập). Trong đó, mầm non tăng 20.225 học sinh, tiểu học tăng 26.812 học sinh, THCS tăng 10.406 học sinh.
Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, nhìn chung, số học sinh tăng nhiều ở cấp mầm non và tiểu học, tập trung tại các quận vùng ven, nơi có quá trình đô thị hóa nhanh như: Quận 12, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn.
Bình quân, mỗi năm học sinh không có hộ khẩu tại TP.HCM tăng 15.000 học sinh, khiến cho áp lực sĩ số lớp học vượt chuẩn so với quy định. Không chỉ thế, ảnh hưởng tới chất lượng học sinh các lớp học 2 buổi/ngày, chưa kể không gian như sân chơi, bãi tập, thư viện đều bị co hẹp, tăng biên chế giáo viên, nhân viên khiến nguồn chi ngân sách gia tăng...
Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân cho biết, năm học mới, quận tăng thêm 4.000 học sinh bậc tiểu học. Dự kiến năm học mới này, quận tiếp nhận hơn 16.000 học sinh. Bậc THCS tiếp nhận hơn 8.000 học sinh, tăng gần 3.000 học sinh. Trong khi đó, quận chỉ xây dựng được 11 phòng học mới bậc tiểu học và 5 phòng bậc THCS.
Do tình hình học sinh quá tải, phòng GD&ĐT quyết định cho những em học sinh hộ khẩu tại phường Bình Trị Đông B chuyển sang học tại các phường lân cận như phường An Lạc, phường Tân Tạo... Đáng nói, số học sinh lớp 1 quá tải ở nhiều phường, điển hình như phường Bình Trị Đông B có hơn 800 học sinh vào lớp 1 nhưng phường không đáp ứng đủ.
Cũng theo ông Tuyên, để đảm bảo cho trẻ vào lớp 1 được đi học chỉ còn cách là giảm số lớp học 2 buổi/ngày, giảm chương trình học bán trú, tăng sĩ số các lớp.
Tình trạng trên diễn ra tương tự tại quận 12, Gò Vấp, Thủ Đức. Theo đó, năm nay những phụ huynh có con vào lớp 1 tại quận 12 khá gian nan vất vả để tìm trường học, nhất là chương trình học bán trú.
Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD&DT quận 12 khẳng định, quận 12 mỗi năm đều có số học sinh quá tải khiến ngành giáo dục quận phải tính toán đau đầu hơn. Cụ thể, năm học này, quận 12 tăng hơn 7500 học sinh, trong đó, học sinh mầm non tăng hơn 1600 học sinh, tiểu học tăng hơn 3100 em, trung học cơ sở tăng hơn 2600 em.
Những phường có học sinh tăng và hệ thống trường lớp cũng như giáo viên không thể đáp ứng kịp trước sự gia tăng chóng mặt này là phường Hiệp Thành, phường Thới An, phường Thạnh Lộc, Tân Thới Hiệp. Trước tình hình đó, lãnh đạo phòng GD&ĐT quận 12 quyết định cho các em chuyển sang các phường lân cận để học.
Đồng thời, để giải quyết bài toán làm sao cho các em có đủ chỗ học, ông Hùng cho rằng, các trường đã nâng sĩ số học lên cao, vượt chuẩn quy định. Hiện nay, nhiều trường lớp có sĩ số học sinh lên tới 50-56 học sinh/lớp. Theo quy định là mỗi lớp chỉ 45 học sinh/lớp.
Khổ vì tìm trường cho con
"Việc tăng học sinh đột biến, khiến quận 12 thiếu giáo viên trầm trọng. Cụ thể, theo tính toán sơ bộ, quận 12 năm nay thiếu hơn 200 giáo viên các bậc học từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trong đó bậc tiểu học thiếu gần 100 giáo viên. Hiện, phòng GD&ĐT đang phối hợp với chính quyền quận 12 lên kế hoạch tuyển dụng giáo viên vào đầu năm học. Nhưng phải chờ văn bản chính thức từ sở GD&ĐT TP.HCM phê duyệt thì mới tiến hành", ông Hùng chia sẻ.
Chia sẻ với PV, chị Ngô Thu Huyền, hiện làm công nhân tại quận 12, có con vào lớp 1 cho biết, nguyện vọng của chị là con mình được học lớp bán trú tại trường tiểu học Hiệp Thành quận 12, TP.HCM. Tuy nhiên, khi đến hỏi, nhà trường cho biết, năm nay hạn chế học sinh học bán trú để ưu tiên cho học sinh học 1 buổi. Chị thất vọng ra về tìm cho con một trường khác để có thể học 2 buổi nhưng tìm mãi không ra.
"Chúng tôi làm công nhân, thường ai cũng làm cả ngày, thậm chí tăng ca tới tối mịt mới được về. Nếu con học 1 buổi, ai sẽ lo chăm con, cho nó ăn uống...Cuối cùng, những phụ huynh cùng cảnh công nhân như chúng tôi đành tự quyết định cho con học 1 buổi. Nhiều gia đình có con học lớp 1 thuê một gia đình có con học chung làm nhiệm vụ đưa đón rồi chăm sóc con mình thời gian còn lại", chị Huyền tiết lộ.
Trong khi đó, kể về nỗi khổ khi phải bỏ thêm chi phí nhờ cô giáo chăm con, chị Lê Thị Hà (ngụ quận Thủ Đức) cho biết: "Nếu ai có con học lớp 1 sẽ hiểu về nỗi khổ khi tìm trường cho con, hầu như ai cũng muốn cho con học bán trú để yên tâm hơn. Tuy nhiên, khi nhà trường không mở lớp bán trú nữa thì phụ huynh đành tự lo liệu".
"Có điều, chi phí để chăm các bé ngoài giờ thường cao ngất ngưởng nhưng đó cũng là sự lựa chọn duy nhất của những người lao động trong công ty, xí nghiệp, những người không có nhiều thời gian chăm con. Chúng tôi nhờ cô giáo trong trường đón về nhà cô, mọi việc, ăn uống, ngủ nghỉ từ trưa tới tối, đều giao phó cho cô. Mỗi tháng, ngoài tiền học trên trường, gia đình tôi đóng thêm 1,5 triệu đồng cho cô giáo bao gồm tiền đưa đón, ăn uống, rèn chữ thêm...", chị Hà nói thêm.