Không vì chuyện đáng tiếc mà bỏ kỳ thi THPT quốc gia

Thứ tư, 22 Tháng 8 2018 10:02 (GMT+7)
Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT cần duy trì kỳ thi THPT quốc gia nhưng tính toán lại, sai chỗ nào xử chỗ đó chứ không nên bỏ ngang kỳ thi

Ngày 21-8, tại TP HCM đã diễn ra Hội nghị Góp ý kiến về dự thảo luật giáo dục sửa đổi và Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học do Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng tổ chức.

Không vì chuyện đáng tiếc mà bỏ kỳ thi THPT quốc gia - Ảnh 1.

PGS-TS Phan Thanh Bình phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, PGS-TS Bùi Xuân Hải, Phó hiệu trưởng ĐH Luật TP HCM cho rằng phải duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia" dù kết quả là lên đến 98% thí sinh tốt nghiệp, bởi bởi kỳ thi đạt được 2 mục tiêu là xét tốt nghiệp và làm cơ sở để các trường xét tuyển đại học".

Ông Bùi Xuân Hải cho rằng với bối cảnh hiện nay, nếu giao kỳ thi cho các trường ĐH sẽ còn điều tiếng ghê gớm hơn những gì chúng vừa mới chứng kiến ở Hòa Bình, Lạng Sơn do không thể kiểm soát được hết việc các trường tự ra đề, tự tổ chức thi, tự chấm thi.

Không những không ủng hộ việc bỏ kỳ thi THPT quốc gia, ông Hải cũng đề xuất tổ chức hai kỳ thi THPT trong năm.

Trong khi đó, TS Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP HCM cho rằng cần phải có đánh giá và khảo sát cụ thể để đưa ra quyết định bỏ hay giữ kỳ thi chứ một vài hiện tượng tiêu cực thi cử vừa qua không thể nói lên vấn đề.

Còn nguyên đại biểu Quốc hội Phan Thị Thu Hà cho rằng như năm nay xảy ra những chuyện đáng tiếc nhưng không vì chuyện này mà bỏ kỳ thi. Bà Hà cho rằng kỳ thi THPT quốc gia là lần đánh giá nghiêm túc, đầy đủ nhất nên nên cứ duy trì nhưng phải tính toán lại, xử lý đúng đắn, thực hiện quản lý nghiêm túc chặt chẽ những lần sau.

Không vì chuyện đáng tiếc mà bỏ kỳ thi THPT quốc gia - Ảnh 2.

Hội nghị Góp ý kiến về dự thảo luật giáo dục sửa đổi và Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học

Kết luận, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết rất khó để đánh giá học sinh nếu bỏ kỳ thi THPT quốc gia sau khi bỏ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, THCS. "Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia không phải là để biết bao nhiêu em đậu tốt nghiệp THPT mà là để đánh giá quá trình học của các em, từ đó có những điều chỉnh phù hợp", ông Độ nói.

Ngoài ra, hội thảo cũng lấy ý kiến về các vấn đề học sinh có nên học vào thứ 7, chính sách, định mức với giáo viên...

Nguồn: T. Lê - (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục