"Chuyền thẻ bằng mặt" phản cảm lại được bảo vệ

Thứ ba, 28 Tháng 8 2018 09:52 (GMT+7)
Trong khi hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ khẳng định trò chơi không phản cảm thì dư luận bày tỏ lo ngại về hậu quả khó lường

Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền một đoạn clip dài 1 phút 40 giây ghi hình ảnh các học sinh đang tham gia một trò chơi rất hào hứng tại Trường THPT - Thực hành Sư phạm thuộc Trường ĐH Cần Thơ. Theo đó, 2 học sinh khác giới đặt một tấm thẻ có hình dạng giống thẻ ATM lên môi và nằm xuống đất ôm nhau giữ chặt tấm thẻ rồi lăn một vòng, sau đó chuyền cho người khác.

Cho phép như trò chơi lớn (?)

Chiều 27-8, PGS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: "Trường ĐH Cần Thơ đã họp với UBND TP và đã có báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về trò chơi "chuyền thẻ bằng mặt" do Trường THPT - Thực hành Sư phạm tổ chức. Đây là hoạt động của Đoàn Thanh niên được Trung ương Đoàn cho phép tổ chức ở các trường THPT nhưng học sinh lại đăng trên Facebook cá nhân, rồi ai đó đưa lên mạng với bình luận sai".

Theo ông Toàn, trò chơi này xuất phát từ Nhật, được Đoàn Thanh niên cho phép áp dụng như một trò chơi lớn và không phản cảm như nhiều người nghĩ.

Cùng ngày, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, thông tin: "Vào đầu năm nay, sở có hướng dẫn các trường tổ chức các trò chơi nhưng chủ yếu là trò chơi dân gian, còn trò chơi trên thì trường không báo cáo cho sở. Lúc báo chí thông tin chúng tôi mới biết".

Chuyền thẻ bằng mặt phản cảm lại được bảo vệ - Ảnh 1.

Hình ảnh cắt từ clip về trò chơi “Chuyền thẻ bằng mặt” tại Trường THPT - Thực hành Sư phạm (Cần Thơ)

Khơi gợi tính dục

Trong khi đó, dư luận có nhiều ý kiến bình luận cho rằng những trò chơi như thế là phản cảm, không có tính giáo dục và không nên xuất hiện trong nhà trường. Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh - sinh viên (Bộ GD-ĐT) cũng đã yêu cầu Trường ĐH Cần Thơ và Sở GD-ĐT TP Cần Thơ kiểm tra, xác minh rõ mức độ vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm và báo cáo về bộ trước ngày 30-8.

Luật gia Trần Thúc Hoàng (TP HCM) cho biết không chỉ riêng một trường hợp trên, thời gian qua nhiều trò chơi phản cảm đăng nhan nhản trên mạng xã hội. Nếu không kịp thời chấn chỉnh thì sẽ gây hậu quả khôn lường. Theo ông Hoàng, Trung ương Đoàn cần phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT về các nội dung sinh hoạt Đoàn để sáng tạo ra những trò chơi thông minh, năng động, có văn hóa, vừa bảo đảm thuần phong mỹ tục vừa mang tính toàn cầu.

Bà Nguyễn Thuyền - giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ (tỉnh Quảng Nam) - cho biết không đồng tình với trò chơi "khiến người xem phải đỏ mặt" này. Bà Thuyền cho rằng đây là trò chơi phản cảm, không những gây mất thuần phong mỹ tục mà khơi gợi tính dục ở tuổi mới lớn.

"Tại sao lại học hỏi những trò chơi phản cảm như vậy từ nước ngoài, trong khi trò chơi lành mạnh dân gian của Việt Nam không thiếu. Đặc biệt, các em ở lứa tuổi đang hình thành, phát triển về tâm sinh lý, rất nhạy cảm với các vấn đề này. Nếu không được tiếp cận, giáo dục một cách lành mạnh, đúng đắn thì sẽ gây hậu quả đáng tiếc" - bà Thuyền bày tỏ, đồng thời cho rằng trò chơi này cũng dẫn đến nguy cơ khiến học sinh có suy nghĩ không tôn trọng thân thể mình, nhất là ở những đoạn các bạn nam nằm đè lên người, tự ý chạm vào những bộ phận nhạy cảm của nữ.

Một giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM cho biết nếu những trò chơi tương tự được nhân rộng và cho là bình thường thì sẽ nguy hiểm. "Ở lứa tuổi vị thành niên rất tò mò về giới tính, nếu đụng chạm sẽ gây kích thích đi ngược với nguyên tắc giáo dục và hậu quả sâu xa có thể dẫn đến lạm dụng tình dục". 

Học tập nhưng phải chọn lọc

Bà Quỳnh An - giáo viên Trường THPT Gia Định (TP HCM ) - cho rằng cần học tập có chọn lọc trong tiếp nhận văn hóa các nước khác, trong đó có trò chơi. Những hoạt động, trò chơi trong nhà trường cần nhắm đến mục đích giáo dục, nhân văn, phát triển những giá trị tốt đẹp. Ngoài ra, các trò chơi nhà trường tổ chức phải giúp học sinh có những hiểu biết đúng đắn trong các mối quan hệ để từ đó chọn cho mình lối sống văn minh, tốt đẹp khi trưởng thành.

Nguồn: Ca Linh - Lê Thoa - (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục