Đôi bên cùng thắng
Đỗ Thị Tư Mai, sinh viên năm cuối ngành Công nghệ May, Trường Cao đẳng Cần Thơ, cho biết: Trong thời gian thực tập tại Công ty TNHH May Việt Thành, Mai được công ty nhận vào làm việc, với mức lương thử việc 4 triệu đồng/tháng. Nhờ nhà trường có mối quan hệ tốt đẹp với công ty, nên Mai được tận tình chỉ dẫn trong công việc, dần tự tin trong môi trường lao động và được đảm bảo việc làm dù còn vài tháng nữa mới nhận bằng tốt nghiệp cao đẳng.
Bạn Đỗ Thị Tư Mai (bên phải) đang làm việc tại Công ty TNHH May Việt Thành. Ảnh: B.KIÊN
Đợt này, Tư Mai là một trong hai sinh viên Trường Cao đẳng Cần Thơ được giữ lại làm việc tại Công ty TNHH May Việt Thành. Hằng năm, công ty đều phối hợp với một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Cần Thơ như Đại học Cần Thơ, Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, Cao đẳng Cần Thơ, Cao đẳng Nghề Cần Thơ… tiếp nhận HSSV vào thực tập. Tùy theo yêu cầu thực tế, hằng năm công ty nhận khoảng 10 đến 90 SV của mỗi trường đến thực tập. Mỗi đợt thực tập, công ty đều chọn được SV làm việc phù hợp, lâu dài.
Một doanh nghiệp khác là Công ty VinPearl Resort Phú Quốc, thuộc Tập đoàn VinGroup, đã hợp tác nhiều năm với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ về đào tạo, tuyển dụng HSSV. Từ năm 2014 đến nay, đã có hơn 400 SV của trường được tuyển dụng làm việc tại công ty. Hằng năm, trường tiếp nhận vài trăm HSSV thực hành thực tập. Ông Nguyễn Minh Đông, Trưởng phòng Nhân sự, Công ty VinPearl Resort Phú Quốc, cho biết: Phần lớn SV có nhiệt huyết, kiến thức chuyên môn, kỹ năng khác khá ổn. Trong số SV được tuyển dụng, có trên 10% được bổ nhiệm vị trí quản lý.
Theo các doanh nghiệp, việc liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo, chuyển giao công nghệ giúp đôi bên cùng phát triển. Trong quá trình tiếp nhận HSSV thực tập, đơn vị sử dụng lao động có thể tuyển dụng được người giỏi, phù hợp với vị trí công việc. Các trường cũng hưởng lợi từ việc liên kết. Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ, cho biết: Trường có Trung tâm Tư vấn việc làm, luôn chủ động liên kết với doanh nghiệp, để tìm cơ hội thực hành, thực tập cho HSSV.
Cộng đồng trách nhiệm
|
Trong cuộc họp với các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn thành phố về công tác tuyển sinh của các trường năm học 2018-2019 vào tháng 8-2018, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, chỉ đạo: Các trường cao đẳng, trung cấp cần phối hợp với các trường THCS, THPT tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, giúp các em hiểu rõ năng lực cá nhân và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố. Các trường cần gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong công tác tuyển sinh nhằm liên tục cập nhật chương trình đào tạo, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. |
Thành phố hiện có 84 đơn vị hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 7 trường cao đẳng, 14 trường đào tạo bậc trung cấp… Trong tình hình tuyển sinh ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khó khăn như hiện nay, việc liên kết với doanh nghiệp để cải tiến nội dung đào tạo cho phù hợp thực tiễn và tăng tỷ lệ SV có việc làm sau tốt nghiệp là tiên quyết. Nhờ làm tốt công tác này, một số trường cao đẳng, trung cấp đã có tỷ lệ HSSV tìm được việc trên 75%, một số ngành đạt 100%. Điển hình là các trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, Cao đẳng Nghề Cần Thơ, Cao đẳng Du lịch Cần Thơ; Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ;…
Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề để mối quan hệ nhà trường - doanh nghiệp bền chặt hơn. Theo một số doanh nghiệp, đơn vị rất cần sự hợp tác, hỗ trợ nhiều hơn từ phía trường khi tổ chức cho HSSV thực hành, thực tập; bởi vì đã có một số trường đưa HSSV đến cơ sở thực tập với tâm thế “đi cho biết”. Bà Trần Thị Anh Thư, cán bộ điều hành sản xuất, Công ty TNHH May Việt Thành, nói: “Công ty cần sự phối hợp chặt chẽ hơn từ phía trường, nhất là việc tư vấn định hướng nghề nghiệp cho SV, giúp các em có động lực mạnh mẽ hơn và quyết tâm cao trong quá trình thực tập, cũng như gắn bó trong nghề”. Theo bà Thư, những SV nhiệt tình, chịu khó, yêu nghề, quyết tâm… dễ dàng được điểm cộng từ phía doanh nghiệp khi xin việc.
Đồng tình với vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Kiều, Trưởng phòng nhân sự, Công ty TNHH&TM MESA Cần Thơ, chia sẻ: Nhược điểm của SV mới ra trường thiếu kỹ năng thuyết trình, công nghệ thông tin. Một số SV lại kén chọn công việc, định hướng nghề nghiệp chưa rõ ràng. Do đó, trường cần tạo điều kiện để SV tham gia hoạt động đoàn thể, trải nghiệm vừa làm, vừa học để có hành trang tốt hơn trong bước đường tìm việc. Ông Bùi Hoàng Phương, Giám đốc Hành chính Công ty TNHH Tâm Phúc, cho biết thêm: “Nhiều HSSV ngại đi làm xa. Một số em đặt vấn đề tiền lương trước công việc”.
Nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm cho HSSV sau tốt nghiệp luôn đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía. Bởi vì theo các doanh nghiệp, HSSV cần được nhà trường tư vấn; gia đình giúp đỡ các em định hướng nghề nghiệp kỹ càng; bản thân các em cần biết năng lực, sở thích của mình để chọn đúng nghề nghiệp, đáp ứng tốt yêu cầu của đơn vị tuyển chọn.