Hơn 22 triệu học sinh dự lễ khai giảng năm học mới 2018-2019

Thứ tư, 05 Tháng 9 2018 14:03 (GMT+7)
Hôm nay (5/9), hơn 22 triệu học sinh trên cả nước dự lễ khai giảng năm học mới 2018-2019. Đây là năm học đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Các địa phương sẵn sàng

Tại Điện Biên, các huyện vùng cao rộn rã chờ ngày hội đến trường. Những ngày này tại huyện vùng cao Tủa Chùa, trên khắp các sân trường học sinh đã tề tựu đông đủ trong không khí vui tươi, rộn rã để chuẩn bị cho ngày khai trường và chào đón năm học mới. Công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đã được khẩn trương hoàn tất. Mọi điều kiện tốt nhất đã sẵn sàng để giáo viên, học sinh trên địa bàn huyện bước vào năm học 2018 - 2019.

Một lễ khai giảng ngắn gọn cũng được Đà Nẵng lên kế hoạch. Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc sở GD&ĐT, mọi công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới 2018 – 2019 trên địa bàn đã cơ bản hoàn tất. Sở đã ban hành công văn, hướng dẫn các trường học tổ chức lễ khai giảng với tinh thần ngắn gọn, vui tươi, an toàn, lịch thiệp tạo không khí thật tự nhiên, thân thiện. Buổi lễ sẽ bắt đầu vào 7h15 sáng 5/9, chỉ kéo dài trong 45 phút và vào học ngay sau đó.

Giáo dục - Hơn 22 triệu học sinh dự lễ khai giảng năm học mới 2018-2019

Hàng triệu học sinh dự lễ khai giảng năm học mới 2018-2019.

Tại Hà Nội, chuẩn bị cho năm học mới, các quận, huyện, thị xã đã xây mới được 74 trường học (trong đó có 29 trường được thành lập mới) bổ sung thêm 1.579 phòng học. Toàn thành phố cũng đang cải tạo, sửa chữa được 387 trường học các cấp.

Trong khi đó, đối với các trường thuộc khu vực bị ngập lụt vừa qua như tại địa bàn huyện Chương Mỹ và Quốc Oai nhiều cơ sở vật chất bị hư hỏng. Sở GD&ĐT và các đơn vị hỗ trợ hơn 1,2 tỷ đồng. Tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội mới đây, lãnh đạo phòng GĐ&ĐT huyện Chương Mỹ khẳng định, các trường học ở vùng ngập lụt của Hà Nội cũng đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới.

Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc sở GD&ĐT Thái Nguyên cho biết, trong năm học 2018-2019 địa phương sẽ chú trọng lớn vào đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. "Đây là năm tiền đề rất quan trọng cho Chương trinh phổ thông mới. Chúng tôi tin tưởng với những gì đang có, Thái Nguyên sẽ thực hiện tốt", ông Đức khẳng định.

Bàn đạp chuẩn bị cho Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể

Năm học 2018-2019 được đánh giá sẽ là năm học bản lề, là bàn đạp để cho các địa phương chuẩn bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Để thực hiện tốt chắc chắn các cơ sở phải có những sáng kiến, cách làm theo tinh thần của Chương trình mới.

Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là một trong những nhiệm vụ rất trọng tâm đã được ngành giáo dục thực hiện công phu, bài bản từ năm 2015. Chương trình tổng thể, chương trình các môn học và hoạt động giáo dục sau một thời gian xây dựng và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu và sẽ sớm được ban hành đảm bảo chất lượng.

“Có 2 điều kiện rất quan trọng để triển khai chương trình là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp vẫn là vấn đề phải quan tâm. Chương trình có tốt đến mấy nhưng người thực hiện là đội ngũ giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu cũng khó thành công”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tư lệnh ngành giáo dục cũng cho rằng, yếu tố then chốt đảm bảo cho sự thành công của Chương trình mới chính là giáo viên: “Lần đổi mới này có khác biệt là chuyển từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực, vì vậy, đội ngũ giáo viên cũng phải chuyển mình. Nếu giáo viên không được bồi dưỡng kiến thức, không được chuẩn bị sẵn sàng về tâm thế, rủi ro sẽ rất cao”.

Giáo dục - Hơn 22 triệu học sinh dự lễ khai giảng năm học mới 2018-2019 (Hình 2).

Một Lễ khai giảng ngắn gọn đã được các địa phương chuẩn bị tốt. 

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Với mỗi chương trình đổi mới sẽ đều có khó khăn, tuy nhiên phương châm nhất quán của phòng GD&ĐT coi khó khăn là cơ hội. Năm học này chúng tôi sẽ bắt đầu cho học sinh làm quen dần để khi triển khai chính thức không bị bỡ ngỡ”.

“Trước mỗi chương trình mới cần sự tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng rồi quyết tâm thực hiện. Như chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng vào năm học 2019 chúng tôi đã có chuẩn bị rất kỹ từ khi chương trình này được đề xuất. Cụ thể Phòng đã mời những chuyên gia đề xuất chương trình đó về trao đổi cụ thể. Từ đó chúng tôi xây dựng đề án “Nghiên cứu phát triển nhân lực” đã được UBND TP.Hà Nội thông qua, tiếp tục những lớp tập huấn cụ thể cho thầy cô trong năm học này, chúng tôi khẳng định đã sẵn sàng khi chương trình giáo dục phổ thông mới được thông qua”, bà Hương cho hay.

Nguồn: Công Luân - (nguoiduatin.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục