Từ thay đổi tư duy...
Mô hình Trường điển hình đổi mới bậc trung học được thực hiện năm đầu tiên 2017, ở trường THCS Châu Văn Liêm và THPT Bùi Hữu Nghĩa. Năm 2018 có thêm 4 trường: THCS Lương Thế Vinh và THCS An Thới; THPT Trần Đại Nghĩa và THPT Nguyễn Việt Hồng. Các trường tổ chức dạy và học theo mô hình Trường điển hình đổi mới có mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục đào tạo; vận dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực; tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo, tham quan học tập ngoài nhà trường tại các di tích lịch sử, văn hóa, cơ sở sản xuất, dịch vụ; thành lập các câu lạc bộ học tập, gắn liền giáo dục với sản xuất, kinh doanh, du lịch tại địa phương.
Học sinh Trường THCS An Thới chăm chú nghe thuyết minh tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Phòng Giáo dục Trung học cung cấp
Ghi nhận đầu tiên cho thấy, mô hình này tạo chuyển biến sâu sắc trong tư duy và phương pháp dạy học của giáo viên, theo hướng dạy học năng động, lấy học sinh làm trung tâm. Đơn cử, giáo viên Tổ Toán - Tin Trường THCS Lương Thế Vinh đã tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thu hút học sinh. Thay vì nêu dữ liệu bài toán, giáo viên cho học sinh lớp 7 được trực tiếp đo chiều cao, cân nặng của bạn để tính chỉ số cơ thể (BMI), từ đó lập bảng thống kê về tình trạng dinh dưỡng của các bạn trong lớp... Với cách làm sáng tạo này, môn Toán không còn khô khan và khó đối với phần lớn học sinh. Còn ở Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, bên cạnh tổ chức sinh hoạt ngoại khóa trong các buổi chào cờ, mỗi bộ môn còn tự tổ chức hoặc liên kết với tổ bộ môn khác tổ chức "Học tập trải nghiệm", còn gọi là “Dạy học dự án”. Theo từng dự án, các thầy cô sẽ đưa học sinh tham quan các địa danh, bảo tàng lịch sử, di tích văn hóa... để các em hiểu sâu, nhớ bài, đồng thời rèn luyện kỹ năng sống.
Theo đánh giá của thầy Nguyễn Phúc Tăng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố, qua thời gian thực hiện mô hình Trường điển hình đổi mới, thay đổi rõ rệt nhất là đội ngũ giáo viên có sự năng động và chủ động trong tổ chức dạy học theo phương pháp lấy học sinh làm trung tâm. Phương pháp và hình thức tổ chức các hoạt động dành cho học sinh ngày càng đi vào chiều sâu và tạo được sự hứng thú cho học sinh.
... đến nâng cao chất lượng giáo dục
Theo nhiều cán bộ quản lý, lãnh đạo nhà trường có thực hiện Trường điển hình đổi mới, mô hình đã giúp chất lượng giáo dục nâng lên rõ rệt. Kết quả học lực, hạnh kiểm của học sinh ở 6 trường thực hiện mô hình đều đạt và vượt các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia; chất lượng tham gia các kỳ thi học sinh giỏi có tiến bộ.
Tham gia mô hình được 1 năm, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa có tỷ lệ học sinh khá giỏi và đậu đại học tăng so với khi chưa thực hiện Trường điển hình đổi mới. Hiệu quả giáo dục tích cực từ mô hình cũng được ghi nhận tại Trường THCS Châu Văn Liêm. Đó là đội ngũ thầy cô giáo tâm huyết với nghề, sâu sát với học sinh, lớp học nề nếp hơn; từ đó số lượng học sinh giỏi dẫn đầu quận, học sinh trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng cũng tăng lên.
Theo kế hoạch, đến năm 2020 các trường trên địa bàn thành phố đều thực hiện tất cả các nội dung mô hình Trường điển hình đổi mới. Cô Lê Thị Hường, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy, cho biết: Quận có 3 trường thực hiện mô hình là Mầm non Sơn Ca, Tiểu học Bình Thủy và THCS An Thới, năm học mới này, nhân rộng mỗi cấp học thêm 1 trường. Thực hiện nhiệm vụ trên, ngành giáo dục chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm... hữu ích cho học sinh. Thầy Nguyễn Phúc Tăng cho rằng: Trước tiên thầy cô giáo tiếp tục thay đổi nhận thức trong hoạt động dạy và học, các trường xây dựng giải pháp phù hợp với tình hình thực tế đơn vị, lưu ý gắn thực hiện mô hình với việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.