Một năm học mới lại bắt đầu, nhiều trường ở TP.Hà Nội có sĩ số vượt quá nhiều so với quy định 35 học sinh/lớp. Theo thống kê tại một số quận như Cầu Giấy, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm…, sĩ số học sinh lớp 1 lên tới trên 60 HS/lớp.
Cụ thể tại Cầu Giấy có 14 trường mầm non công lập bình quân lên tới gần 60,89 trẻ/nhóm lớp. Con số “khủng” này cũng diễn ra tại 11 trường tiểu học công lập với bình quân 55,95 học sinh/lớp và có 10 trường THCS công lập bình quân 47,1 học sinh/lớp.
Hay như quận Hoàng Mai có 21 trường mầm non công lập bình quân cũng lên đến 47,4 trẻ/nhóm lớp, có 17 trường tiểu học công lập bình quân 51,6 học sinh/lớp và có 15 trường THCS công lập bình quân 44,6 học sinh/lớp...
Đặc biệt, tại nội thành Hà Nội có trường lên đến 69 học sinh/lớp dẫn đến tình trạng ba em phải chen chúc một bàn, trong khi bàn chỉ thiết kế tối đa cho 2 em. Đồng thời, nhiều trường "đành lòng" phải thực hiện lịch học "gối", học luân phiên như nghỉ ngày thường, đi học thứ 7 mới có thể đảm bảo chương trình học.
Đã nhiều năm nay, tình trạng sĩ số học sinh quá đông so với quy định tối đa của bộ GD&ĐT tại nhiều trường thuộc quận nội thành của Hà Nội đã liên tục tiếp diễn, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phương pháp giải quyết, thậm chí những con số đó đang có chiều hướng gia tăng.
Trao đổi với PV về vấn đề này, GS. TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng cho biết: “ Theo quan điểm của cá nhân tôi, thì việc đảm bảo số giờ cho học sinh là điều tất yếu. Trên thực tế, số tổng số giờ học của mình đã thấp hơn so với nước ngoài, nên số giờ học càng phải đảm bảo. Tuy nhiên, cơ sở vật chất lại không đáp ứng được vì không đủ phòng học cho các em học sinh. Thông thường, một lớp có 35 học sinh là chuẩn. Nếu đông hơn thì chắc chắn không còn đảm bảo được chất lượng giảng dạy cũng như học tập.
Ta phải chọn phương pháp giảng dạy như thế nào để học sinh vừa học vừa vui, đừng bắt học sinh cho vào đầu những việc không đáng nhớ. Điều này, rất cần thiết trong việc đổi mới giảng dạy để tạo hứng thú mới cho học sinh”.
GS. TS Nguyễn Lân Dũng cũng khẳng định: “Trước tình hình trên, TP.Hà Nội nói riêng và các TP lớn đông đúc dân cư nói chung cần phải quan tâm hơn nữa đến giáo dục, dành quỹ đất riêng cho giáo dục để xây dựng trường lớp. Vấn đề đặt ra, riêng TP.Hà Nội phải lo đất để dành cho giáo dục.
Theo tôi được biết thì quy định các chung cư, khu đô thị mới xây dựng phải có trường học. Trung bình mỗi một khu chung cư mọc lên, số lượng người đến ở phải tương đương với một xã ở địa phương. Quy hoạch ở Thủ đô lại bất hợp lý khi xây dựng chung cư tràn lan. Vì vậy, không cớ gì mà lại không dành riêng một hai tầng nhất định cho học sinh. Với khoản đó thì HĐND TP.Hà Nội sẽ quyết định chi trả, coi như mua lại để cho học sinh học”.