Quyết định kiểm tra tại NXB Giáo dục Việt Nam
Chiều 20-9, đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có mặt tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) để tiến hành kiểm tra quy trình xuất bản, in ấn, phát hành SGK.
Việc kiểm tra được xuyên suốt từ khâu biên tập đến in ấn, phát hành sách ngoài thị trường để trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội như quy trình thực hiện đúng hay không, có dấu hiệu lợi ích nhóm hay không, có lãng phí hay không?
Trước đó, Bộ GD-ĐT cũng đã thanh tra NXBGDVN và kết luận nhiều sai phạm về nhân sự cũng như tài chính của NXB này. Cụ thể, về tài chính, tại thời điểm 31-12-2015, NXB Giáo dục Việt Nam có vốn đầu tư tại 54 công ty với tổng giá trị 548,4 tỉ đồng. Trong đó, có 18 công ty (vốn đầu tư hơn 192,1 tỉ đồng) hoạt động không hiệu quả, không có cổ tức để chi trả. Tại thời điểm 31-12-2016, NXBGDVN có vốn đầu tư tại 52 công ty, với tổng giá trị đầu tư hơn 546,5 tỉ đồng thì có 17 công ty (vốn đầu tư hơn 178,4 tỉ đồng) không chi trả cổ tức.
Như vậy, việc góp vốn đầu tư của NXBGDVN vào nhiều công ty không hiệu quả, có những công ty hoạt động thua lỗ trong nhiều năm.
Đáng chú ý, thực hiện đề án tái cơ cấu, NXBGDVN đã tăng vốn đầu tư tại một số công ty trái với quyết định của Bộ GD-ĐT. Trong đó, tăng vốn cao hơn mức được phê duyệt tại Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam, Công ty cổ phần Dịch vụ xuất bản giáo dục Hà Nội, Công ty cổ phần Mỹ thuật và Truyền thông…
Theo kế hoạch, năm 2015, NXB phải thoái vốn tại 36 công ty, nhưng đến 31-12-2016 vẫn còn 32 công ty chưa thực hiện thoái vốn thành công. Việc thực hiện thoái vốn chậm có nguyên nhân do nội dung nghị quyết HĐTV lần thứ chín năm 2015 trái với đề án đã được phê duyệt.
Về quản lý, đầu tư dự án xây dựng trụ sở làm việc NXBGDVN tại số 104 Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM, NXB đã không trình Bộ GD-ĐT phê duyệt theo quy định. Quá trình triển khai dự án, NXB đã chấp thuận để 2 công ty con góp vốn vào kinh doanh bất động sản; phê duyệt đầu tư 50 tỉ đồng xây dựng tòa nhà văn phòng 10 tầng, khi thời hạn được giao sử dụng đất chỉ còn 7 năm. Mặt khác, công trình thuộc dự án lại cho thuê toàn bộ; quá trình giao đơn vị ký hợp đồng lòng vòng, thiếu minh bạch…
Đối với dự án xây dựng công trình hỗn hợp cao tầng trên toàn bộ diện tích sàn sử dụng 5.619,5 m2 tại 187B Giảng Võ, quận Đống Đa (Hà Nội), năm 2008, NXBGDVN ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty cổ phần Xây dựng sông Hồng để hợp tác thực hiện. Sau đó, NXBGDVN ký hợp đồng liên doanh với Công ty cổ phần Xây dựng sông Hồng và hai công ty khác để thành lập Công ty cổ phần Đầu tư IP Việt Nam (Công ty IP) vốn điều lệ 100 tỉ đồng, để đầu tư dự án trên (NXBGDVN góp vốn 41%, do ông Mạc Văn Thiện làm Chủ tịch HĐQT).
Sau đó, NXBGDVN ký với Công ty IP hợp đồng thỏa thuận nhận 95 tỉ đồng để thực hiện di dời, bàn giao mặt bằng đất của dự án. Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai, dự án vẫn chưa được khởi công, NXBGDVN chưa nhận được đủ số tiền theo thỏa thuận nhưng lại phải đi thuê văn phòng làm việc bằng vốn đi vay; việc góp vốn, nhận ủy thác góp vốn, chuyển nhượng lòng vòng trong các công ty con…
Công ty Đầu tư tài chính Thiên Hóa (Công ty Thiên Hóa) được thành lập năm 2009, có vốn điều lệ 200 tỉ đồng (vốn góp của NXBGDVN là hơn 68,7 tỉ đồng), đến năm 2011 có nghị quyết giải thể. Tuy nhiên, NXBGDVN vẫn đầu tư hơn 13,7 tỉ đồng vào để mua cổ phần của các cá nhân. Ông Mạc Văn Thiện làm Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Hóa đồng thời lại là đại diện NXBGDVN ký nhiều hợp đồng vay vốn với chính Công ty Thiên Hóa, số tiền hơn 136,3 tỉ đồng, lãi suất trung bình 15%/năm.
Ngoài ra, theo nghị quyết của HĐQT, ngày 9-1-2010, ông Mạc Văn Thiện đã ký quyết định cho bà Huỳnh Thị Thanh Hiền vay 14 tỉ đồng, thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và khách sạn số 38 Hoàng Diệu, TP Đà Nẵng nhưng sau đó lại phê duyệt cho bà Hiền mượn lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (không thông qua HĐQT) dẫn đến việc không thu hồi được khoản vay của bà Hiền hơn 15,5 tỉ đồng (cả gốc và lãi).
Ngày 10-1-2017, Bộ GD-ĐT có Công văn số 79/BGDĐT-KHTC gửi NXBGDVN tạm dừng mua sắm, thanh lý, nhượng bán tài sản, chuyển nhượng vốn đầu tư, thoái vốn đầu tư. Ngày 11-1-2017, Công ty Đầu tư tài chính giáo dục (công ty thành viên của NXBGDVN) và các đơn vị vẫn bán 3 lô đất ở Đà Nẵng với giá trị hơn 42,5 tỉ đồng. Theo kết luận thanh tra, việc ông Mạc Văn Thiện, Chủ tịch HĐTV chỉ đạo bán 3 lô đất tại cuộc họp HĐTV trước đó không đúng thẩm quyền; ngày 13-1 vẫn ký công văn báo cáo Bộ GD-ĐT chưa có thông tin về việc bán 3 lô đất trên...