Mới đây, tại cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, một số ý kiến đã đề nghị bộ GD&ĐT thanh tra ngay việc có hay không lợi ích nhóm trong biên soạn và phát hành SGK. Trước áp lực từ Quốc hội cũng như dư luận xã hội, ngày 20/9, bộ GD&ĐT đã thành lập Đoàn kiểm tra của bộ GD&ĐT tiến hành kiểm tra quy trình xuất bản, in ấn, phát hành SGK, việc liệu có lãng phí hay không... tại nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Ngay sau khi có quyết định kiểm tra của bộ GD&ĐT, PV báo Người Đưa Tin đã liên hệ với ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên NXB Giáo dục Việt Nam, tuy nhiên ông này đã từ chối trả lời với lý do đang đi nước ngoài.
Nhìn lại hoạt động kinh doanh của nhà xuất bản giáo dục Việt Nam qua những năm gần đây dư luận không khỏi giật mình bởi số lượng cuốn SGK đã in qua từng năm. Cụ thể, theo thông tin báo Người Đưa Tin nắm được, năm 2015 NXB Giáo dục đạt sản lượng 101 triệu bản SGK, doanh thu 1.041 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 32 tỷ đồng.
Đến năm 2016, số lượng SGK được nhà xuất bản này in ra tiếp tục tăng thêm 7,8 triệu bản lên con số 108,8 triệu bản, doanh thu 1.147 tỷ đồng; so với năm 2015 lợi nhuận trong năm này của NXB Giáo dục Việt Nam tăng 125%, đạt 72,1 tỷ đồng.
Năm 2017 đạt 107,8 triệu bản SGK, doanh thu 1.203 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng 109%, đạt 150,8 tỷ đồng.
Quỹ lương cho đội ngũ quản lý của NXB Giáo dục cũng tăng theo từng năm, lần lượt là 4,5 tỷ đồng (2015), 6,2 tỷ đồng (2016), và 6,8 tỷ đồng (2017).
Mức lương bình quân theo kế hoạch của người lao động tại NXB Giáo dục trong năm 2017 lên tới 20,15 triệu đồng/người/tháng và mức thu nhập bình quân hàng tháng là 21 triệu đồng/người/tháng. Các con số này trong năm 2016 là 20,2 triệu đồng và 20,9 triệu đồng/người/tháng.
Thu nhập bình quân của viên chức quản lý theo kế hoạch ở mức 45,5 triệu đồng/người/tháng trong năm 2017 sau khi đã đạt con số thực tế 53,2 triệu đồng/người/tháng trong năm 2016.
Năm 2018 đặt kế hoạch lợi nhuận 90,5 tỷ đồng với tổng số 104 triệu cuốn SGK được in ra.
Cũng trong 3 năm từ 2015-2017 qua đã thực hiện thoái toàn bộ vốn tại 5 công ty, tổng giá trị đầu tư đã thoái là 58,15 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty không công bố cụ thể đơn vị được thoái vốn.
Tính đến nay, NXB Giáo dục có 10 công ty con, 22 công ty liên kết, các công ty này có nhiệm vụ mua - bán hàng hóa và dịch vụ cho NXB Giáo dục. Một số công ty con và công ty liên kết còn có nhiệm vụ nhận nợ vay, lãi vay cho NXB Giáo dục.