Học sinh viết, vẽ vào SGK thì giáo viên bị xử lý?!

Thứ tư, 26 Tháng 9 2018 09:34 (GMT+7)
Bộ GD-ĐT đã có chỉ thị về sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Trong chỉ thị này, Bộ GD-ĐT thừa nhận hiện nay trên thị trường đang có sự lãng phí lớn khi chỉ khoảng 35% SGK được dùng lại.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, tăng tỉ lệ SGK được sử dụng nhiều lần, Bộ GD-ĐT yêu cầu giám đốc các sở GD-ĐT chỉ đạo các phòng GD-ĐT, các trường học tổ chức quán triệt đến từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn bảo quản SGK để sử dụng và sử dụng lại lâu bền. Các trường hướng dẫn học sinh nghiên cứu SGK để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở, không được trực tiếp viết, vẽ vào SGK.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo các sở GD-ĐT tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các trường học khiến học sinh phải mua quá nhiều xuất bản phẩm tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức việc thanh tra, kiểm tra việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các trường học, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.

Chỉ thị của Bộ GD-ĐT lập tức gây tranh cãi. Một giáo viên lớp 4 của một trường tiểu học đóng tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay năng lực học sinh khác nhau, có em tiếp thu nhanh, có em tiếp thu chậm. Có em phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần mới hiểu bài. Vậy nếu hướng dẫn học sinh mà em ấy viết vào sách thì giáo viên bị xử lý hay sao? Nhiều học sinh tính tình cẩu thả, không cẩn thận làm rách hay bị dây mực vào sách thì giáo viên có bị xử lý hay không?

Học sinh viết, vẽ vào SGK thì giáo viên bị xử lý?! - Ảnh 1.

SGK đã biên soạn theo cách để học sinh viết kết quả vào sách, tuy nhiên giờ đây GV lại không để cho học sinh viết vào

Một giáo viên Trường THCS Yên Hòa, Hà Nội đặt vấn đề SGK là tài sản của học sinh, do cha mẹ, gia đình học sinh mua nên không ai có quyền cấm các em viết, vẽ vào sách. Quy định buộc giáo viên yêu cầu học sinh không viết vào SGK là bất hợp lý.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, cho rằng việc ban hành một công văn hướng dẫn quản lý, phát hành và sử dụng SGK cần phải đi từ cái tâm và cái tầm của nhà quản lý... Theo ông Vinh, nếu vì lợi ích của người học cũng như lợi ích quốc gia thì nên có những chia sẻ về tinh thần tiết kiệm khi sử dụng SGK gửi đến người dân. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT nên phát động phong trào giữ gìn SGK sạch đẹp và khuyến khích trưng mua lại với giá rẻ hoặc cho lại nhà trường để tập trung lại và hỗ trợ cho các trẻ thuộc gia đình nghèo đi học đỡ phải mua SGK cho năm học mới.

Chuyên gia này nhấn mạnh chỉ thị chỉ là văn bản hành chính đôn đốc, nhắc nhở cơ quan, cá nhân thuộc quyền mình quản lý để thực hiện một văn bản quy phạm pháp luật, một chủ trương, chính sách hay một quyết định mà không thuộc văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, chỉ thị không được có điều khoản xử lý, chế tài. "Không biết bộ phận nào tham mưu cho bộ trưởng mà lại có một chỉ thị vừa thiếu logic vừa không đúng thể thức như vậy!" - ông Vinh nói.

Nguồn: Yến Anh - (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục