Hàng loạt trường chuẩn quốc gia không dạy tiếng Anh

Thứ sáu, 05 Tháng 10 2018 09:35 (GMT+7)
Nhiều năm qua, 11 trường tiểu học trên địa bàn huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa học sinh không được học tiếng Anh

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh học sinh (HS) tại các xã Công Bình, Công Chính, Công Liêm, Yên Mỹ… (huyện Nông Cống), năm học 2018-2019, con em của họ đang theo học tiểu học không được tiếp cận môn học tiếng Anh, trong đó có hàng trăm em HS sang năm sẽ lên lớp 6. Thực trạng này đã xảy ra nhiều năm nay.

Chuyện khó tin!

Ghi nhận thực tế tại một loạt trường trên địa bàn huyện Nông Cống mà các em HS không được học tiếng Anh, hầu hết phụ huynh đều lo lắng vì ở thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, môn tiếng Anh lại không được đưa vào dạy học. Hiện huyện này có 11 trường tiểu học không dạy tiếng Anh, trong đó 10 trường đạt chuẩn quốc gia.

Hàng loạt trường chuẩn quốc gia không dạy tiếng Anh - Ảnh 1.

Trường Tiểu học Công Bình (Nông Cống) - nơi hơn 300 học sinh không được học tiếng Anh

Thầy Trần Thế Định, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Công Bình, thừa nhận HS của trường không được học tiếng Anh do thiếu giáo viên và xảy ra từ nhiều năm qua. "Vẫn biết rằng giữa miền xuôi và giữa thời đại này việc HS không được học tiếng Anh là vô cùng thiệt thòi nhưng chúng tôi cũng không biết làm sao hơn. Năm nào nhà trường cũng có ý kiến lên huyện để xin giáo viên nhưng huyện nói không có chỉ tiêu được tuyển" - thầy Định cho biết. Cũng theo thầy Định, năm học 2017-2018, để được công nhận trường chuẩn quốc gia giai đoạn 1, huyện có điều động một giáo viên ở nơi khác về dạy liên trường một thời gian ngắn. Sau đó, trường được công nhận chuẩn xong thì cô giáo này cũng rút đi.

Còn theo ông Vũ Xuân Tin, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Mỹ, nhu cầu HS mong muốn được học tiếng Anh rất lớn. Nhiều lần phụ huynh đến đề nghị nhà trường hợp đồng giáo viên về dạy rồi họ đóng tiền nhưng do quy định không được nên trường không dám chấp nhận.

"Trắng" giáo viên tiếng Anh

Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Nông Cống, địa phương này hiện có 67 giáo viên tiếng Anh. Số giáo viên được bố trí đủ cho các trường THCS và bổ túc, riêng đối với khối tiểu học thì toàn huyện có 35 trường, nhưng chỉ mới có 24 trường được bố trí giáo viên tiếng Anh, còn lại 11 trường "trắng" giáo viên tiếng Anh. Trong số 11 trường trên, có tới 10 trường đã được công nhận chuẩn quốc gia. Theo quy định, để đạt chuẩn bắt buộc phải có đầy đủ giáo viên đặc thù (trong đó có tiếng Anh).

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Nông Cống, cho biết hiện địa phương này đang thiếu giáo viên tiếng Anh trầm trọng ở cấp tiểu học. "Nguyên nhân là do tinh giản biên chế, nhà nước không cho tuyển dụng nên mới có tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh. Chúng tôi phải ưu tiên giáo viên tiếng Anh cho cấp THCS" - ông Bình nói.

Về việc 10 trường đạt chuẩn quốc gia nhưng không có giáo viên tiếng Anh, ông Bình lý giải: "Trước khi làm chuẩn quốc gia cho trường nào đó, huyện phải làm phương án đưa giáo viên tiếng Anh ở các trường khác về tăng cường để cho trường đạt chuẩn, sau khi trường đạt chuẩn lại rút đi. Chúng tôi biết làm thế này là không đúng nhưng "lực bất tòng tâm", không còn cách nào khác. Nếu trường không đạt chuẩn thì mục tiêu nông thôn mới của các địa phương cũng không thực hiện được".

Cũng theo ông Bình, sau nhiều lần làm tờ trình xin giáo viên tiếng Anh thì năm học 2018-2019, UBND tỉnh Thanh Hóa cho huyện tuyển dụng 8 giáo viên và hiện nay huyện đang lên phương án để tuyển, cố gắng bổ sung sớm cho các trường chưa có giáo viên.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, năm học 2017-2018 tỉnh này thiếu tới 258 giáo viên tiếng Anh, tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi và một số huyện đồng bằng như Quảng Xương, Hoằng Hóa, Nông Cống.

Nguồn: Thanh Tuấn - (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục