Đó là những ý kiến tại Hội thảo triển khai Nghị định số 80/2017/NĐ-CP và Quyết định số 5886/QĐ-BGDĐT khu vực phía Nam do Bộ GD-ĐT tổ chức. Ông Dương Văn Bá, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh - sinh viên, Bộ GD-ĐT cho biết, dù Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường và Quyết định số 5886/QĐ-BGDĐT ban hành chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017-2021 được xem là hai công cụ quan trọng giúp ngành GD-ĐT phối hợp với các bên liên quan để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.
Bé gái 5 tuổi tại Trường Mầm non Ánh Sao Vàng (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) bị bảo mẫu bạo hành tháng 7 vừa qua
Cũng theo Bộ GD-ĐT, thời gian qua các Sở GD-ĐT đều có triển khai nhưng mới chỉ dừng lại ở việc bê nguyên công văn của bộ. Trong khi qua khảo sát thực tế, cơ sở giáo dục chưa nắm chắc số liệu. Chẳng hạn như năm học vừa qua, theo báo cáo của ngành GD-ĐT cả nước xảy ra vài trăm vụ bạo lực học đường. Mỗi tỉnh, thành xảy ra khoảng 2-3 vụ. Tuy nhiên, khi ngành công an vào cuộc, số liệu tổng hợp lại chênh nhau khá lớn, với hơn 2.000 vụ, trong đó hơn 53% số vụ bạo lưc xảy ra trong môi trường học đường. Từ năm 2011 đến nay, tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng, xuất hiện thêm nhiều vụ việc phức tạp.
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TP HCM cho biết, TP có số dân nhập cư hàng năm tăng, cụ thể năm nay cấp mầm non tăng 20 ngàn học sinh. Thực tế hiện nay, cũng còn một số đơn vị chưa quan tâm, khi thực hiện gặp khó khăn, khi xảy ra bạo lực học đường thì lúng túng khi xử lý. Một số giáo viên thiếu kỹ năng trong xử lý các vấn đề giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh.