Sinh viên chuyên ngành Quản trị trường (Trường Đại học Giáo dục - ĐHQG Hà Nội)
Những “dấu mốc” tự chủ đại học
Năm 2003, Điều lệ Trường đại học đã khẳng định trường đại học được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động đào tạo, khoa học, công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức và nhân sự. Tại diễn đàn về tự chủ đại học do Liên hiệp các hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam tổ chức mới đây, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý đã nhắc đến một số dấu mốc liên quan đến tự chủ đại học. Trong đó có Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020.
Nghị quyết khẳng định tầm quan trọng của việc hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học theo hướng đảm bảo quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo sự quản lý Nhà nước và vai trò giám sát, đánh giá của xã hội đối với giáo dục đại học. Theo đó, đổi mới cơ chế quản lý cần chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, có pháp nhân đầy đủ, có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự, tài chính; xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập...
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM trên giảng đường
Năm 2012, Quốc hội ban hành Luật Giáo dục đại học. Tại Điều 32, quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học được khẳng định. Quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học còn được thể hiện ở nhiều điều khoản của Luật về hội đồng trường, hội đồng quản trị, hiệu trưởng, nhiệm vụ quyền hạn của cơ sở giáo dục, tuyển sinh, chương trình giáo dục, văn bằng, học phí, lệ phí tuyển sinh...
Để cụ thể hóa các nội dung về quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường ĐH trong khuôn khổ pháp lý được quy định, đồng thời thúc đẩy hoạt động tự chủ đại học tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi cơ chế hoạt động giai đoạn 2015 - 2107 theo Nghị quyết 77 cho 23 cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc các bộ, ngành Trung ương. Theo nguyên Thứ trưởng Trần Quang Quý, Chính phủ cũng đã tổng kết 3 năm thí điểm, thấy rằng, tự chủ đại học là một trong những mô hình tốt nhất, phát huy hiệu quả các trường đại học về tính sáng tạo, về những vấn đề để đổi mới trường đại học. Thực hiện được tự chủ đại học với tất cả các trường là cuộc cách mạng với đổi mới giáo dục đại học.
Tự chủ về chuyên môn rất quan trọng
Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Quang Quý, quá trình tự chủ, từ đánh giá về thực hiện Nghị quyết 77 cũng như thực tiễn các trường thí điểm, thấy có muôn vàn khó khăn, đặc biệt khó thực hiện do cơ chế chính sách còn thiếu, khập khiễng và không đồng bộ. Vấn đề tự chủ đại học liên quan đến nhiều luật khác, không chỉ Luật Giáo dục đại học mà còn là Luật Viên chức, Luật Cán bộ công chức, Luật Quản lý sử dụng tài sản công... Các quy định pháp luật phải đồng bộ để phát huy được tự chủ cao nhất cho các trường. May mắn là hiện nay, chúng ta đang sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trong đó chú trọng nhất là làm sáng tỏ tự chủ đại học. Những vấn đề cần tháo gỡ để giải quyết được mâu thuẫn, khó khăn vừa qua, đều được đưa vào trong dự thảo Luật này.
Tự chủ đại học phải gắn liền với các yếu tố trong tự chủ học thuật và chuyên môn
Để thực hiện thành công tự chủ đại học, ông Trần Quang Quý nhấn mạnh tự chủ về học thuật, chuyên môn (bao gồm cả vấn đề về đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế...) bên cạnh tự chủ về bộ máy và về tài chính, tài sản và cho rằng, đây là tự chủ quan trọng nhất. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cơ sở giáo dục đại học, từ các cán bộ, giảng viên đến sinh viên để họ hiểu khi tự chủ mình có quyền gì, phải làm gì... không phải chỉ lãnh đạo nhà trường mới cần hiểu rõ về tự chủ. Cũng phải tuyên truyền để xã hội biết về tự chủ, như khi con em đi học ở trường tự chủ sẽ như thế nào, được quyền lợi gì... Trường tự chủ, người học đóng học phí cao, nhưng chính sách Nhà nước cho vay đi học, trợ cấp học sinh có hoàn cảnh khó khăn ra sao... những điều này cần phải làm rõ để xã hội hiểu, từ đó đồng thuận.
“Một vấn đề nữa, Nhà nước sẽ quản lý về quy hoạch mạng lưới các trường đại học; nhưng tôi cho rằng, cần bổ sung thêm quản lý về quy hoạch ngành nghề đào tạo các trường. Nếu giao tự chủ, các trường sẽ mở ồ ạt các ngành mà ở ngoài có nhu cầu; do đó, đề nghị xây dựng quy hoạch mạng lưới ngành nghề đào tạo để có thể điều tiết được cung cầu, cân đối cung cầu nhân lực quốc gia” - ông Trần Quang Quý nêu quan điểm.
Nhận định về tự chủ giáo dục đại học, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân trong báo cáo về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo Nghị quyết 77 nhận định: Bên cạnh kết quả đạt được, tự chủ đại học nước ta còn một số hạn chế, bất cập vì tính chất thí điểm cũng như sự thiếu nhất quán, đồng bộ trong các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Bên cạnh đó là sự vào cuộc chưa thật quyết liệt của các bộ, ban, ngành có liên quan... Những bất cập từ nhiều phía đã hạn chế hiệu quả của việc thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, tự chủ chưa thực sự trở thành động lực giúp các cơ sở giáo dục đại học phát huy khả năng chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường cạnh tranh, đa dạng hóa các loại hình giáo dục trong hệ thống giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.