Phạm Thị Điệp có thêm nhiều trải nghiệm bổ ích khi tham gia chương trình “Coach for College” tại Hậu Giang cùng với các bạn sinh viên Mỹ. Ảnh do nhân vật cung cấp
Học từ bạn bè quốc tế
Phạm Thị Điệp, vừa tốt nghiệp ngành Phiên dịch - Biên dịch tiếng Anh, Trường Đại học Cần Thơ, vừa tham gia chương trình “Coach for College” (chương trình sinh viên (SV) huấn luyện mùa hè do SV Mỹ và Việt Nam tổ chức dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Đông Tây Hội ngộ) tháng 7-2018, tại Trường THCS Hòa An, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang). Trong 3 tuần, Điệp được phân công hỗ trợ và quản lý nhóm SV gồm 15 bạn (trong đó, có 7 SV Mỹ). Các SV Mỹ phụ trách dạy các môn văn hóa, học các môn thể thao, như: Bóng chuyền, cầu lông, quần vợt để rèn luyện sức khỏe, đồng thời, hướng dẫn học sinh tại trường một số kỹ năng sống. Quá trình làm việc, Điệp chia sẻ SV Mỹ rất năng động, nhiệt tình, sáng tạo từng bài giảng. Đơn cử như dạy tiếng Anh, SV Mỹ sáng tạo cách dạy qua các trò chơi dân gian hoặc các môn thể thao, thay vì đứng trên bục giảng. Cách học này giúp học sinh dễ nhớ, tự tin giao tiếp tiếng Anh hơn. Trong triển khai các hoạt động nhóm, sinh viên Mỹ cũng sôi nổi thảo luận, phản biện để đạt hiệu quả cao nhất.
Suốt 4 năm học đại học, Điệp còn làm tình nguyện viên nhiều chương trình, sự kiện quốc tế diễn ra trong thành phố. Tiêu biểu như: Giải bóng chuyền bãi biển nữ quốc tế (2016 và 2017), Hội nghị xúc tiến đầu tư TP Cần Thơ (tháng 8-2018)… Ở mỗi sự kiện, Điệp phụ trách quản lý nhóm tình nguyện viên, hỗ trợ phân phát, in ấn tài liệu, phiên dịch các hoạt động giao lưu giữa đại biểu trong và ngoài nước. Bên cạnh có cơ hội trau dồi kỹ năng ngoại ngữ, Điệp ấn tượng phong cách làm việc chuyên nghiệp của các doanh nhân và các SV nước ngoài. Điệp chia sẻ: “Hầu hết hội thảo, mọi người đến đúng giờ, thể hiện sự tập trung các chủ đề để thảo luận, chia sẻ ý kiến cá nhân”. Trong các buổi giao lưu bên lề hội thảo, các đại biểu nước ngoài dành thời gian để làm quen, tìm hiểu về thành phố, đồng thời, không quên giới thiệu nét đẹp văn hóa đất nước mình.
Tuy mới học tiếng Hàn Quốc, Trần Ái Trinh, SV ngành Ngôn ngữ Anh (Trường Đại học Cần Thơ), chia sẻ, Trinh hiểu rõ hơn về văn hóa Hàn Quốc. Trinh đặc biệt cảm mến bạn bè Hàn Quốc bởi giao tiếp lịch sự, khi gặp bạn, các bạn Hàn Quốc cúi chào từ xa; trong ăn uống, ứng xử nơi công cộng, thường xếp hàng thứ tự hoặc nhường ghế cho người già trên xe… Theo Trinh, các hoạt động giao lưu văn hóa giúp bạn trẻ hiểu biết nhau trên các lĩnh vực, từ giáo dục, văn hóa đến những vấn đề giới trẻ quan tâm. Qua đó, giúp các bạn trẻ nâng cao kỹ năng hội nhập, thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị, hợp tác giữa thanh niên các nước.
Cần hành trang vững chắc
Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện đã và đang mở ra những cơ hội mới để giới trẻ mở rộng giao lưu, đồng thời, đòi hỏi các bạn trẻ cần trang bị hành trang vững chắc để tự tin hội nhập. Thực tế cho thấy, khá đông SV quan tâm các hoạt động giao lưu quốc tế và mong muốn được trang bị kỹ năng mềm. Ưu điểm của các bạn trẻ là năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, nhanh nhạy. Tuy nhiên, theo nhiều bạn trẻ, bên cạnh kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm, ngoại ngữ được xem là “chìa khóa” mở cánh cửa hội nhập. Bởi ngoại ngữ vừa là "cầu nối", vừa là yếu tố tự thân bắt buộc phải có của thanh niên quá trình hội nhập.
Đào Chí Thành, cựu SV ngành Dịch vụ du lịch và lữ hành (Trường Đại học Cần Thơ), đang tham gia chương trình đào tạo tiếp viên hàng không Hãng Hàng không Bamboo Airways (tại TP Hồ Chí Minh), chia sẻ: “Để nâng cao kiến thức, kỹ năng, khi còn SV, em đăng ký làm điều phối viên cho nhiều sự kiện, chương trình tình nguyện quốc tế”. Thành từng là tình nguyện viên Tuần lễ APEC tại TP Cần Thơ, Chương trình Bệnh viện Bay Orbis tại TP Cần Thơ (2017), cùng nhiều đoàn cán bộ, SV quốc tế đến TP Cần Thơ tổ chức các hoạt động xã hội. Qua đó, Thành có cơ hội rèn kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, thử thách bản thân qua các hoạt động đội, nhóm. Theo Thành, có thể mỗi người sẽ làm việc không chỉ với các thành viên trong nước, mà còn các bạn tình nguyện viên nước ngoài. Đó là cơ hội tăng khả năng giao tiếp, học cách lắng nghe, chia sẻ, điều phối công việc khoa học.
Tham gia các hoạt động quốc tế giúp bạn trẻ có nhiều kiến thức hữu ích, làm nền tảng để làm việc trong công ty nước ngoài hoặc đa quốc gia. Huỳnh Như, cựu SV ngành Ngữ văn, Trường Đại học Cần Thơ, đang làm việc tại Công ty TNHH Giày Dona Standard Việt Nam (Đồng Nai), tâm sự, nếu làm cho công ty Mỹ, Hàn Quốc hoặc Đài Loan…, thì bạn cần trang bị kiến thức cơ bản về văn hóa, phong tục con người nơi đó. Vì vậy, những hoạt động giao lưu văn hóa thời SV sẽ giúp bạn trẻ ít nhiều hiểu rõ đặc trưng văn hóa mỗi nước. Điều đó không chỉ giúp SV thêm "điểm cộng" với nhà tuyển dụng, còn hữu ích nếu làm việc trong một công ty đa quốc gia hoặc những đối tác là doanh nghiệp tại đất nước đó.
Nhiều bạn trẻ đi làm khuyên rằng, bên cạnh kiến thức, kỹ năng, SV cần rèn tính kỷ luật, tác phong làm việc chuyên nghiệp để không bị đào thải trong môi trường làm việc cạnh tranh gay gắt.