Để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa sách giáo khoa (SGK) do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chủ trì biên soạn với các SGK khác, Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án cụ thể về giá SGK.
Nhập nhèm sách bổ trợ với SGK
Lý giải về việc in bài tập vào SGK dẫn đến SGK chỉ dùng một lần, lãng phí hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm, Bộ GD-ĐT khẳng định khi biên soạn SGK hiện hành, các tác giả đã tiếp thu những kinh nghiệm về SGK của quốc tế để thể hiện các phương pháp dạy học tích cực, tăng tính tương tác giữa người học và sách; đồng thời tạo thuận lợi cho giáo viên trong việc đổi mới phương pháp dạy học.
Chia sẻ thông tin NXB Giáo dục Việt Nam bị lỗ khoảng 40 tỉ đồng/năm từ việc in ấn và phát hành SGK, Bộ GD-ĐT cho rằng chỉ có NXB Giáo dục Việt Nam thực hiện việc xuất bản, phát hành SGK như hiện nay đã tạo ra nghi ngại về sự độc quyền khép kín trong tất cả các khâu của quy trình từ biên soạn đến phát hành, không thúc đẩy cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng SGK.
Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận trong danh mục SGK do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành cho học sinh còn nhiều tài liệu không phải là SGK bán kèm theo. Những tài liệu này thực chất là sách bổ trợ, tham khảo hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Tuy nhiên, vì NXB Giáo dục Việt Nam phát hành SGK không có hướng dẫn rõ ràng dẫn đến việc các cơ sở giáo dục hiểu rằng đây là "SGK bài tập" bắt buộc học sinh phải mua như SGK.
Phụ huynh lựa mua sách giáo khoa cho con tại nhà sách ở TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
"Từ năm 2016, Bộ GD-ĐT đã kiểm tra danh mục SGK do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành và không phê duyệt danh mục sách bổ trợ, sách tham khảo đi kèm SGK. Đồng thời chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam phải lấy nhiệm vụ chính trị phục vụ cho ngành là mục tiêu hàng đầu, tức là phải bảo đảm cung ứng SGK theo các mục tiêu: sách phải đầy đủ; in đẹp, bền; giá cả hợp lý; không được để tình trạng học sinh thiếu SGK" - Bộ GD-ĐT cho biết.
Để khắc phục thực trạng SGK chỉ dùng được một lần, Bộ GD-ĐT vừa ban hành chỉ thị chỉ đạo các sở GD-ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục tại địa phương sử dụng, bảo quản tốt SGK, tránh lãng phí cho gia đình học sinh, xã hội...
Giao quyền lựa chọn SGK cho các trường
Bộ GD-ĐT cũng sẽ chủ trì biên soạn một bộ sách SGK. Sau khi biên soạn, bộ SGK do bộ chủ trì sẽ được công bố công khai, bao gồm phiên bản sách điện tử để giáo viên, học sinh sử dụng rộng rãi, bình đẳng.
Nhằm bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa SGK (sách in) do Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn với các SGK khác, bộ sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án cụ thể về giá SGK. Khi biên soạn SGK mới, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các nhà xuất bản tham gia làm SGK và các sở GD-ĐT hướng dẫn, tập huấn giáo viên về việc sử dụng sách để học sinh có ý thức giữ gìn, bảo quản bảo đảm SGK được sử dụng nhiều lần, tránh lãng phí.
Về lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT đang xây dựng thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng giao quyền lựa chọn cho cơ sở giáo dục phổ thông trên cơ sở nguyện vọng của học sinh, cha mẹ học sinh. Thông tư này cũng quy định cụ thể trách nhiệm của sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông trong việc quản lý lựa chọn, sử dụng SGK, có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lựa chọn của học sinh, phụ huynh.