Không có ngôn ngữ ký hiệu thì người điếc sẽ không thể hòa nhập được. Ảnh minh họa
Nhiều rào cản trong tiếp cận các dịch vụ xã hội
Ông Nguyễn Tuấn Linh, giáo viên Trường dạy trẻ điếc Nhân Chính (Hà Nội), Trưởng ban vận động Hội Người điếc Việt Nam – VAD cho biết: Ở Việt Nam có 8 triệu người khuyết tật, trong đó khoảng hơn 2,5 triệu người điếc/khiếm thính. Người điếc còn gặp nhiều rào cản và khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ xã hội như giao thông, y tế, việc làm, giáo dục...
Trong nhiều gia đình hầu hết cha mẹ và những người thân không biết sử dụng ngôn ngữ ký hiệu nên gặp khó khăn trong giao tiếp và cách hướng dẫn dạy trẻ điếc.
Ở Việt Nam, một số trường hay trung tâm, các giáo viên dạy văn hoá cho người điếc bằng cách sử dụng khẩu hình miệng, rất ít hoặc không áp dụng dạy bằng ngôn ngữ ký hiệu dành cho người điếc. Vì vậy, việc tiếp thu kiến thức văn hoá của người điếc gặp rất nhiều khó khăn trong việc nâng cao trình độ kiến thức . Còn nhiều người điếc chưa được đến trường và còn mù chữ,nhất là vùng sâu vùng xa.
Có một số người, kể cả giáo viên nói rằng dùng phương pháp khẩu hình miệng/phát âm sẽ tốt hơn cho người điếc (dù có phát âm được cũng không chuẩn vì họ không nghe được âm chuẩn từ đầu ). Nhưng nhiều GV không đồng ý với quan điểm này, chỉ có GV bị khiếm thính mới hiểu rõ và có phương pháp riêng trong việc giảng dạy giáo dục cho người điếc.
Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Linh, hiện nay ở Việt Nam chưa có chương trình dạy học dành cho trẻ mầm non và cấp 1 bằng ngôn ngữ ký hiệu. Một số gia đình có trẻ điếc đã và muốn sử dụng máy trợ thính hoặc ốc tai điện tử để trẻ điếc theo học hòa nhập, nhưng thực tế đã chứng minh kết quả thu được rất thấp và đến nay đã có rất nhiều gia đình từ bỏ ý định này. Nếu muốn thực hiện việc giáo dục hoà nhập cho người điếc với người bình thường thì phải cần có người phiên dịch hỗ trợ về ngôn ngữ ký hiệu thì hy vọng mới có kết quả.
Ngôn ngữ ký hiệu - cầu nối giúp người điếc hòa nhập
Để giúp người điếc có thể học hòa nhập, tiếp cận với giáo dục, cần phải tuyên truyền và thông tin cho các cha mẹ trẻ điếc nên và cần tham gia học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp và hỗ trợ cho con em mình. Nhà nước cần có những chính sách và phù hợp hơn tạo điều kiện cho các giáo viên điếc dùng phương pháp ngôn ngữ ký hiệu cho việc giáo dục đối với mầm non, cấp 1,2,3...
Bên cạnh đó, cần có giải pháp mới để mở rộng chương trình giúp cho người điếc ở vùng sâu vùng xa có cơ hội tiếp cận giáo dục. Người điếc cần có trường/trung tâm chuyên biệt riêng phù hợp với người điếc, giáo dục hòa nhập có người phiên dịch hỗ trợ ngôn ngữ ký hiệu. Cần hợp tác với người điếc trong việc xây dựng các chính sách, biên soạn sách giáo khoa, giáo trình…có hệ thống để phù hợp với việc giáo dục cho người điếc.
Ông Nguyễn Tuấn Linh cũng cho biết, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng ở Việt Nam hiện nay tại Đồng Nai và Hà Nội đã có trường cấp phổ thông, trung cấp, cao đẳng và đại học được giảng dạy hoàn toàn bằng phương pháp ngôn ngữ ký hiệu.
Các học sinh/sinh viên điếc đã thích nghi được môi trường học tập rất tích cực, chủ động, sáng tạo và bình đẳng với người nghe về trình độ học vấn. Đối với sinh viên điếc đã hoàn thành trình độ cao đẳng/đại học sư phạm là 17 người. Người điếc Việt Nam có tấm bằng thạc sỹ lần đầu tiên tại trường Gallaudent ở Mỹ là chị Nguyễn Thị Thủy Tiên.
Ông Linh cho rằng, việc dùng ngôn ngữ ký hiệu là phương pháp đúng duy nhất để dạy cho người điếc. Nhà nước cần có chủ trương về việc dạy ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc và học các bậc từ mẫu giáo, tiểu học đến THPT, cao đẳng, đại hoc, sau đại học, tiến sĩ.
Cần mở rộng mạng lưới dạy văn hóa bằng ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc (nhất là các vùng sâu vùng xa ).Trẻ em điếc học tốt nhất thông qua ngôn ngữ ký hiệu cùng với hình thức viết. Do đó, cách tiếp cận song ngữ trong giáo dục cho trẻ em điếc là rất quan trọng.
Cần được cụ thể hóa trong luật
Với góc độ là giảng viên nghiên cứu về luật cho người khuyết tật, PGS.TS Nguyễn Hiền Phương, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, nhiều quốc gia đã có những quy định rõ ràng trong pháp luật về ngôn ngữ ký hiệu: Chẳng hạn như CH Séc năm 1988 thông qua đạo luật chính thức công nhận ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc. Ở Mỹ: 30 bang thông qua đạo luật về ngôn ngữ ký hiệu Mỹ (ASL) và được sử dụng như ngoại ngữ trong chương trình đào tạo. Nhiều nước phát triển pháp luật quy định đảm bảo phương tiện và dịch vụ hỗ trợ ngôn ngữ ký hiệu 24/24.
Ở Việt Nam, tại Điều 27, Khoản 3, Luật Người khuyết tật 2010 quy định: “Người khuyết tật được cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng trong trường hợp cần thiết; người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đảm bảo quyền giáodục của người khuyết tật trong các cấp đào tạo.
PGS.TS Nguyễn Hiền Phương cho rằng, cần nhanh chóng thống nhất về ngôn ngữ ký hiệu toàn quốc. Hoàn thiện từ điển ngôn ngữ ký hiệu, đảm bảo tương thích ngôn ngữ ký hiệu toàn thế giới (tham khảo kinh nghiệm các quốc gia). Nâng cao nhận thức toàn dân về quyền của người điếc và ngôn ngữ ký hiệu. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về nâng cao hiệu quả ứng dụng ngôn ngữ ký hiệu trong các lĩnh vực về quyền.
Theo Công ước Quốc tế về các Quyền của Người Khuyết tật (CRPD), ngôn ngữ ký hiệu là ngôn ngữ tự nhiên của người điếc. Một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo quyền của người điếc là quyền sử dụng phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu. Nếu không có ngôn ngữ ký hiệu thì người điếc sẽ không thể hòa nhập được.