Bỏ cộng điểm, dạy nghề mất sức hút

Thứ hai, 29 Tháng 10 2018 10:04 (GMT+7)
Tuyển sinh lớp 10 chính thức bỏ cộng điểm học nghề nhằm lấy lại mục đích và ý nghĩa của việc giáo dục hướng nghiệp. Tuy nhiên, điều này lại khiến học sinh mất động lực học nghề

Việc học nghề, thi nghề của học sinh tại các trường phổ thông trong những năm qua hầu hết nhằm mục đích lấy điểm cộng vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Với mức điểm cộng thêm từ 0,5 đến 1,5, học sinh coi đây là "cứu tinh" nên dù không hứng thú học nghề, các em cũng ráng đối phó. Thế nhưng, với quy định mới không cộng điểm học nghề, học sinh có phần hụt hẫng.

Tránh việc học đối phó

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, cho biết từ năm học 2019-2020, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ chính thức bỏ cộng điểm học nghề.

Theo ông Hoàng, quy định không cộng điểm học nghề đã được Bộ GD-ĐT đưa ra từ trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019 nhưng chính thức áp dụng từ kỳ thi tuyển sinh năm học 2019-2020 nên không có gì bất ngờ.

Bỏ cộng điểm, dạy nghề mất sức hút - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (TP HCM) trong giờ học nghề nấu ăn Ảnh: Hoàng Triều

Không cộng điểm học nghề khi tuyển sinh lớp 10 được áp dụng chung cho cả nước nên trong công thức tính điểm của Hà Nội cũng không còn điểm cộng này. Cụ thể, trong phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 do Sở GD-ĐT TP Hà Nội công bố, sẽ không còn điểm cộng cho học sinh có chứng chỉ học nghề; không áp dụng cộng điểm đối với học sinh có học lực giỏi, tiên tiến.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD-ĐT, cho biết bộ đưa ra quy định bỏ cộng điểm học nghề khi tuyển sinh vào lớp 10 là để lấy lại mục đích và ý nghĩa của việc giáo dục hướng nghiệp. Việc này còn nhằm tránh tình trạng loạn các cuộc thi ở địa phương theo lối hình thức, gây mệt mỏi cho phụ huynh và học sinh.

Không tha thiết học vì quá đơn điệu

Chính sách cộng điểm học nghề khi tuyển sinh lớp 10 được thực hiện trong nhiều năm qua nhằm tạo động lực để học sinh học nghề. Nay, chính sách cộng điểm đó không còn, liệu học sinh có hứng thú học nghề?

Ông Nguyễn Minh Nhơn, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh - TP HCM, cho rằng khi không cộng điểm học nghề vào điểm tuyển sinh lớp 10 thì học nghề được trả lại đúng nghĩa của nó. Tuy nhiên, lâu nay, học sinh học nghề vì được cộng điểm ưu tiên, nay việc cộng điểm không còn nữa thì học nghề phải được tổ chức lại mới có thể lôi cuốn được học sinh. Ở nhiều trường, việc học nghề được tổ chức bài bản, tạo hứng thú cho học sinh. Thế nhưng, nhiều trường chỉ tổ chức cho có với 1-2 nghề, cốt để lấy điểm thì nay sẽ khó khăn hơn trong việc tổ chức học nghề bởi học sinh không tha thiết.

Hiệu trưởng một trường THCS tại quận 3, TP HCM cho rằng mục tiêu học nghề là hướng nghiệp cho học sinh chứ không phải học nghề để cộng điểm ưu tiên. Hiện nay, nhiều trường không có điều kiện (con người và trang thiết bị) để tổ chức dạy nghề nên nhìn chung, dạy nghề trong trường còn đơn điệu, kém hiệu quả.

"Cách làm hiện nay là nên tổ chức một trường nghề cho các cụm hoặc liên kết các trường nghề lại để học sinh đến đó học nghề mình thích, cuối kỳ lấy chứng chỉ chứ không cần thiết phải học trong trường phổ thông" - hiệu trưởng này đề xuất.

Cùng quan điểm, bà Lê An, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP HCM), cho biết tổ chức học nghề và cộng điểm ưu tiên khi tuyển sinh lớp 10 là nhằm khuyến khích học sinh học nghề. Thực tế, việc đáp ứng nhu cầu tiếp cận nghề nghiệp của học sinh hiện nay tại các trường rất hạn chế vì nghề thì nhiều mà các trường lại chủ yếu dạy về dinh dưỡng hay điện. Chính sự đơn điệu đó khiến học sinh không hứng thú vì nghề các em thích thì trường không tổ chức được, nghề không thích lại phải học chỉ để cộng điểm.

Theo bà An, để việc học nghề, hướng nghiệp hiệu quả, việc đầu tư vào các trường phổ thông là không thể vì vô cùng tốn kém, nên thay vào đó kết hợp với các trường nghề để học sinh có điều kiện chọn nghề mình thích. Chẳng hạn, khi muốn học nghề bếp - ẩm thực, học sinh chọn trường có đào tạo nghề này để được đào tạo bài bản, được tiếp cận với các nhà hàng - khách sạn để được trải nghiệm. Khi đó, từ việc thích nghề, học sinh sẽ nhận thấy mình có phù hợp hay không. Công tác phân luồng học sinh sau THCS từ đó cũng hiệu quả hơn. 

Khó đạt được mục tiêu

Ông Nguyễn Thành Hiệp, nguyên Trưởng Phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, cho rằng đúng ra nên gọi là "kỹ thuật phổ thông" chứ không nên gọi là nghề (dù là nghề phổ thông), vì mục tiêu môn học cũng như phương thức dạy chưa ra hình hài 1 nghề và nhất là các em chưa thực sự làm được nghề, chỉ vài kỹ năng nào đó. Mục tiêu hướng nghiệp cũng chưa thật sự đáp ứng được. Bởi lẽ, nghề nghiệp thì rất nhiều trong khi nhà trường chỉ tổ chức dạy vài nghề giản đơn khiến mục tiêu rất khó đạt được.

Nguồn: Huy Lân - (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục