ung quanh vụ việc 3 học sinh trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) bị buộc thôi học do nói xấu thầy cô trên Facebook, luật sư Vũ Tiến Vinh (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: “Khi chưa có có thông tin chính xác về mức độ vi phạm của các em, nên tôi không thể xác định việc đuổi học là có nghiêm khắc quá hay không.
Tuy nhiên, nếu đây là lần đầu các em vi phạm thì nên tạo cơ hội để các em sửa sai. Với thực trạng xã hội hiện nay, bị đuổi học đồng nghĩa các em cũng có thể sẽ bỏ học, không quay lại trường khi thời hạn đuổi học đã hết. Như thế vô hình trung thầy cô và nhà trường đã bất lực và chuyển trách nhiệm quản lý, giáo dục của mình sang cho xã hội”.
Có thể thấy, việc học sinh nói xấu giáo viên không chỉ ở trên Facebook mà còn cả trên các diễn đàn, ngoài đời thường diễn ra khá phổ biến. Nếu cứ mỗi lần phát hiện lại tiến hành đuổi học thì vô hình trung chúng ta đang đẩy các em ra khỏi môi trường giáo dục?
Đồng ý rằng, việc làm của học sinh là sai, nhưng giáo viên xem thông tin riêng tư trong điện thoại của học sinh liệu có đúng?
“Học sinh có quyền được bảo vệ các bí mật riêng tư. Thầy cô không có quyền xem điện thoại của học sinh sau khi tịch thu bất luận các em vi phạm như thế nào, nếu như không được các em đồng ý. Trường hợp thầy cô giáo cố tình xem điện thoại của học sinh, có thể bị nhắc nhở hoặc xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật”, luật sư Vinh khẳng định.
Cụ thể, việc đọc tin nhắn trên Facebook của người khác khi chưa được đồng ý của chủ sở hữu là hành vi "xâm phạm bí mật thư tín, điện thoại", có dấu hiệu phạm tội theo điều 159 Bộ luật Hình sự 2015, trừ trường hợp như cơ quan điều tra thu thập chứng cứ trong điện thoại của bị can... Mức phạt sẽ từ cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đến 50.000.000 đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến ba năm. Hành vi này chỉ bị xử lý hình sự khi người vi phạm trước đó đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính.
Luật sư Vinh chia sẻ thêm, việc nhà trường cho rằng học sinh dùng mạng xã hội xúc phạm danh dự và uy tín của giáo viên để tiến hành kỷ luật là chưa hợp lý.
Những bạn học sinh này chỉ trò chuyện với nhau trong một nhóm chát kín, mang tính riêng tư nội bộ, không thể xem đây như hành vi phát tán thông tin được. Trường hợp nhà trường xử lý vi phạm, phải tìm được bằng chứng rằng học sinh đã phát tán thông tin rộng rãi.
“Cách giải quyết tốt nhất là các thầy cô cần phải quan tâm đến các em học sinh nhiều hơn nữa, không thể chỉ chú trọng đến việc truyền dạy kiến thức. Chỉ khi các thầy cô quan tâm đến học sinh, coi học sinh là trung tâm, để các em được tự do biểu đạt, và các thầy cô sẵn sàng tiếp thu thì khi đó môi trường giáo dục mới lành mạnh, hiệu quả.
Về phía gia đình cũng cần quan tâm đến con em mình, không được ỷ lại vào thầy cô, nhà trường và cần có cái nhìn công tâm về những điểm còn hạn chế của con mình để dạy bảo tiến bộ hơn”, luật sư Vinh bày tỏ quan điểm.