Tiêu chí về trường học trong xây dựng NTM được quan tâm hàng đầu tại Hà Tĩnh.
Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM có 2 tiêu chí thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đó là tiêu chí số 5 về trường học và tiêu chí số 14 về giáo dục. Để đạt được các tiêu chí trên, Hà Tĩnh đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả.
Một trong những giải pháp đó là thành lập Ban chỉ đạo chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM về giáo dục và đạo tạo; chỉ đạo các trường lập đề án, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Sau 10 năm thực hiện chương trình, Hà Tĩnh trở thành điểm sáng trong cả nước về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), với 115 xã đạt chuẩn (chiếm 50,2% tổng số xã), bình quân mỗi xã đạt 15,7 tiêu chí (tăng 12,2 tiêu chí so với cuối năm 2010), không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí; có hai xã cơ bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Trong đó, lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, cảnh quan môi trường chuyển biến rõ nét. Toàn tỉnh có 535/727 trường chuẩn quốc gia, chiếm 73,6%.
Huyện Can Lộc là một trong những địa phương tập trung mạnh cho lĩnh vực giáo dục từ việc sáp nhập trường học đến công tác xây dựng trường lớp khang trang. Xã Gian Hanh huyện này trong những ngày nay toàn dân đang dồn sức hoàn thành bước cuối cùng cho chặng đường về đích nông thôn mới.
Điều khiến người dân và chính quyền địa phương hài lòng nhất đó là những tiêu chí khó đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, đặc biệt là trường học đã và đang bước vào giai đoạn hoàn thiện.
Các trường học được đầu tư mạnh về cơ sở vật chất.
Để hoàn thành tiêu chí thứ 5, xã Gia Hanh huy động các nguồn lực đầu tư khoảng 20 tỷ đồng cho trường học. Riêng năm học 2018-2019 xã huy động gần 15 tỷ đồng để xây dựng nhà học mầm non 2 tầng 6 phòng, trường tiểu học 2 tâng 10 phòng và THCS 2 tầng 8 phòng – ông Phan Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Gia Hanh cho biết.
Thầy Phan Tiến Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Gia Hanh cho biết, để phục vụ công tác dạy và học, chính quyền huyện, xã đã dồn nguồn lực cho đầu tư giáo dục về xây dựng cơ sở vật chất trường học.
Trường tiểu học Gia Hanh, năm học này xây thêm 10 phòng học với tổng kinh phí 5 tỷ đồng. Trường chấm dứt tình trạng kéo dài nhiều năm về thiếu phòng học, cơ sở vật chất xuống cấp.
Tại xã Cẩm Dương (huyện Cẩm Xuyên) nhiều lãnh đạo xã chia sẻ, một trong những tiêu chí mà chúng tôi thấy khó khăn, đòi hỏi nguồn lực kinh tế nhiều đó là tiêu chí trường học. Muốn về đích nông thôn mới, không thể không có tiêu chí về trường học, trong khi đó nó còn đòi hỏi thời gian xây dựng lâu dài.
“Đảng bộ, Chính quyền xã đang phấn đấu cuối năm 2018 về đích nông thôn mới. Một trong những tiêu chí khiến chúng tôi lo lắng là trường học. Tiêu chí này đã được chúng tôi dồn sức từ nhiều năm nay nhằm xây dựng trường chuẩn cho bậc tiểu học và THCS. Năm nay, chúng tôi đã xây dựng được cơ sở vật chất trường mầm non đạt chuẩn với nguồn kinh phí hơn 6 tỷ đồng” - bà Chu Thị Thanh Thủy - Chủ tịch UBND xã Cẩm Dương nói.
Được biết, trong thời gian qua, từ việc thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí số 5 - tiêu chí trường học, công tác tham mưu đầu tư cơ sở vật chất các trường học gắn với xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành đặc biệt quan tâm.
Hệ thống thư viện ở các trường tiểu học được đầu tư khang trang.
Nhờ huy động nhiều nguồn lực, trong giai đoạn 2008 - 2018, toàn tỉnh đã xây mới 26 trường mầm non và phổ thông (trong đó có 12 trường tư thục); 1.619 phòng học, 223 nhà công vụ, 112 nhà tập đa năng, 113 phòng giáo dục thể chất, 176 công trình vệ sinh trường học với kinh phí hàng ngàn tỷ đồng
Riêng năm học mới này, toàn tỉnh huy động được hàng trăm tỷ đồng để đầu tư xây dựng thêm nhiều phòng học mới. Điển hình là các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Thạch Hà, Can Lộc, Thành phố Hà Tĩnh...
Có thể khẳng định, giáo dục – đào tạo là một trong những chủ trương đúng đắn trong phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh. Để tiếp tục làm tốt công tác này, trong thời gian tới, các địa phương trong toàn tỉnh sẽ tập trung huy động nguồn lực cho sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo; thực hiện tuyên truyền về giáo dục trong chương trình xây dựng NTM; lồng ghép các chương trình hỗ trợ lao động nông thôn phát triển sản xuất với chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
Cũng từ sự chỉ đạo xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, với sự thẩm định và giám sát chặt chẽ, chất lượng trường chuẩn trên vùng đất học ngày càng tăng. Hiện toàn tỉnh có 535 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ 73,6%). Trong đó: mầm non 169 trường, tỷ lệ 61,8% (chuẩn mức 1 là 140 trường, mức 2 là 29 trường); tiểu học 214, tỷ lệ 82,9% (mức 1 là 91 trường, mức 2 là 123 trường); THCS 120, tỷ lệ 79,5%; THPT 32, tỷ lệ 71,1%. Hầu hết các trường đều có quy hoạch tổng thể và chi tiết được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.