Thới Lai xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia

Thứ năm, 08 Tháng 11 2018 15:47 (GMT+7)
Năm 2009, huyện Thới Lai chỉ có 6 trường đạt chuẩn quốc gia, nay con số này tăng gấp 5 lần. Đây là sự nỗ lực vượt bật của toàn hệ thống chính trị huyện Thới Lai trong việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

Tạo động lực thi đua

Hồ Quang Tiến, học sinh lớp 6A2 Trường THCS Trường Thành 1, cho biết: “Em rất thích học ở trường, vì nhiều phòng học, phòng thực hành mới, đầy đủ trang thiết bị. Em và các bạn đều cố gắng học tốt hơn”. Nguyễn Dương, cùng lớp với Tiến, nói thêm: “Trường mới có sân chơi rộng rãi, tụi em có thể chơi thể thao, tổ chức các trò chơi”.

Trước đây, Trường THCS Trường Thành 1 (thành lập năm 1992) ở ấp Trường Thạnh, xã Trường Thành, có 11 phòng học, 1 phòng thiết bị thực hành dùng chung cho các bộ môn; 1 phòng ban giám hiệu, đoàn thể, công đoàn. Sau hơn 20 năm hoạt động, cơ sở vật chất của trường xuống cấp; thiếu thốn trang thiết bị thực hành, sân chơi bãi tập... nên chỉ tổ chức được lớp học 1 buổi/ngày. Năm 2016, trường được đầu tư xây dựng mới và vừa hoàn thành giai đoạn 1 (2016-2018), vốn đầu tư 15 tỉ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa quy mô 1 trệt 1 lầu, với 7 phòng học, 21 phòng chức năng, đầy đủ trang thiết bị thực hành các bộ môn lý, hóa, sinh, tin học...đáp ứng yêu cầu dạy và học cho hơn 500 học sinh. Thầy Trần Quang Nhựt, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường tiếp tục được xây dựng giai đoạn 2 (8 phòng học và một số phòng thiết bị thực hành), kinh phí đầu tư 8,5 tỉ đồng. Với cơ sở vật chất hiện có, cùng với 34 cán bộ, giáo viên (100% đạt chuẩn, 50% trên chuẩn), trường đảm bảo các tiêu chuẩn đón đoàn kiểm tra công nhận đạt chuẩn quốc gia vào tháng 11-2018. Thầy Nhựt nói thêm: “Có cơ sở mới, không riêng gì thầy cô mà học sinh, phụ huynh đều phấn khởi, thi đua dạy tốt, học tốt”.

Một góc Trường THCS Trường Thành 1.

Ngoài Trường THCS Trường Thành 1, huyện Thới Lai đang nỗ lực phấn đấu đến cuối năm 2018 sẽ có thêm 2 trường đạt chuẩn quốc gia: Tiểu học Trường Thắng, Tiểu học Đông Bình 1.

Nền tảng nâng cao chất lượng

Dù xuất phát điểm gặp nhiều khó khăn về hệ thống trường lớp, nhưng sau gần 10 năm thành lập huyện Thới Lai, diện mạo trường lớp trên địa bàn thay đổi rõ nét. Năm học 2008-2009, huyện có 40 trường (10 trường mầm non, mẫu giáo; 21 trường tiểu học; 9 trường THCS), trong đó chỉ có 6 trường đạt chuẩn quốc gia, riêng bậc mầm non không có trường đạt chuẩn. Nay, huyện có 45 trường (15 trường mầm non, 21 trường TH và 9 trường THCS); trong đó có 30 trường đạt chuẩn quốc gia, trong số này, bậc mầm non có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Tổng kinh phí đầu tư trong 10 năm gần 700 tỉ đồng, từ nguồn xổ số kiến thiết và nguồn vốn khác. Trong đó có 475 tỉ đồng đầu tư xây dựng 26 công trình trường học; 25 tỉ đồng từ nguồn vốn xã hội…

Theo ông Nguyễn Văn Chi, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Thới Lai, khi chia tách từ Ô Môn, tất cả trường trên địa bàn Thới Lai đều gặp khó khăn về cơ sở vật chất. Hầu như trường nào cũng có nhiều điểm lẻ (có trường có đến 5 điểm lẻ); những điểm lẻ này tạm bợ, phân tán nhiều nơi, có khi học sinh học nhờ, học tạm ở nhà dân, trụ sở UBND xã. Nhiều trường tiểu học bán kiên cố, sử dụng nhiều năm nên đã xuống cấp... ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Ông Chi nói thêm: “Khó nhất là bậc học mầm non. Năm 2014, huyện chưa có trường mầm non nào đạt chuẩn. Nhưng chỉ sau 4 năm, huyện có đến 12 trường; bậc tiểu học, THCS phát triển khá đồng đều”.

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là chủ trương lớn mang tính chiến lược của ngành giáo dục, nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục. Ngoài sự quan tâm đầu tư của Huyện ủy, UBND huyện Thới Lai, ngành giáo dục huyện đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn: Xây dựng kế hoạch chi tiết, lộ trình theo từng giai đoạn; căn cứ đặc thù từng trường…Ngành tham mưu để lãnh đạo huyện biết nhu cầu phát triển từng trường, có kế hoạch phân bổ nguồn vốn phù hợp. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thới Lai, nhấn mạnh: Sắp tới, huyện tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, chủ yếu từ nguồn xổ số kiến thiết, đi đôi với đẩy mạnh xã hội hóa. Phấn đấu đến năm 2020, huyện cơ bản hoàn thiện mạng lưới trường lớp, trường đạt chuẩn quốc gia (đạt gần 90%), góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục theo hướng bền vững.

Nguồn: Đặng Ngọc - (baocantho.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục