Năm 2003, trong thời gian đi thực tế ở xóm đan lục bình, trải nghiệm các công đoạn phơi, đan lục bình, thầy Lê Quốc Toàn (38 tuổi; giáo viên dạy mỹ thuật của Trường Tiểu học, THCS Lý Thường Kiệt, tỉnh Sóc Trăng) đã có ý tưởng về một sản phẩm sử dụng chất liệu khác thay thế, vừa độc lạ, vừa thân thiện với môi trường. Từ đó đến nay, thầy Toàn đã từng thử sử dụng qua nhiều loại nguyên liệu để đan giỏ xách, nhưng tất cả đều không khả thi. "Đầu tiên là thực hiện đan giỏ xách bằng giấy, nhưng giấy không bền, hạn chế là không chịu được nước, không đi mưa được. Qua nhiều chất liệu nữa, tôi mới tìm được bao mì gói là chất liệu thích hợp nhất", thầy Toàn chia sẻ.
Chiếc túi xách đầu tiên được thực hiện trong một tháng
Cái duyên mà thầy Toàn phát hiện ra chất liệu "vỏ mì gói" cũng rất tình cờ. Theo đó, dạy ở trường nên mỗi ngày thấy chỗ căn-tin bỏ rất nhiều vỏ gói mì. Với sự tinh tế của người dạy mỹ thuật nên thầy Toàn nhận thấy vỏ mì gói sẽ là chất liệu phù hợp để đan giỏ bởi màu sắc, sự bền đẹp và chịu được nước.
Một chiếc túi xách được đan từ hơn 250 đến khoảng 500 bao mì gói
Năm 2014, thầy Toàn bắt tay vào đan chiếc giỏ đầu tiên bằng chất liệu mới này. Sau một tháng mày mò, chiếc túi xách đầu tiên cũng được ra mắt, tuy không đẹp và sắc xảo nhưng nó đã chứng minh được nhận định của thầy Toàn là đúng và thôi thúc hơn trong việc thực hiện ý tưởng "điên rồ" của mình nhiều năm trước.
Nhớ lại khoảng thời gian đi nhặt, đi xin vỏ gói mì về làm chất liệu đan giỏ, thầy Toàn bồi hồi: "Lúc đó thấy mình đi nhặt vỏ mì gói để về đan giỏ, nhiều người nói mình không bình thường, dở hơi. Dù người ta không nói trước mặt nhưng lỡ nghe cũng buồn lắm, nhưng vì đó là sở thích, là mục tiêu nên tôi bỏ ngoài tai tất cả, vẫn cứ đeo để thực hiện đến khi thành công".
Để hoàn thành một chiếc túi xách phải trải qua 4 công đoạn gồm thu gom, làm sạch, se và đan
Tính đến thời điểm này, thầy Toàn đang sở hữu 44 chiếc túi xách với màu sắc và kích thước khác nhau. Bên cạnh đó, còn một số sản phẩm mới như: bộ bàn ghế, hộp đựng đồ… Mới đây, thầy Toàn được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) công nhận xác lập kỷ lục "Người thực hiện bộ sưu tập túi xách tái chế từ bao mì gói đầu tiên và nhiều nhất".
Thầy Toàn kể: "Khi gởi hồ sơ tôi cũng lo lắm, không biết có đạt kết quả gì không, vì trước đó tôi đã từng tham dự nhiều cuộc thi nhưng không đạt giải gì hết. Đến khi nhận thông tin từ Vietkings yêu cầu bổ sung hồ sơ để thiết lập kỷ lục tôi vui lắm, nhiều đêm không ngủ được. Đến khi nhận được quyết định và giấy công nhận xác lập tôi mới thật sự tin, lúc đó tôi mừng muốn khóc".
Một số sản phẩm mới làm từ vỏ mì gói như bộ bàn ghế, hộp đựng đồ
Theo thầy Toàn tiết lộ, để hoàn thành một chiếc túi xách làm từ bao mì gói phải qua 4 công đoạn, trong đó công đoạn khó nhất là đan. Đầu tiên phải đi thu gom các vỏ gói mì; tiếp theo là vệ sinh, lau chùi cho sạch rồi cắt phần cạnh cứng; tiếp theo là se lại và đan theo kích thước của giỏ xách.
Trong bộ sưu tập hiện có của thầy Toàn, một chiếc túi xách được đan từ hơn 250 đến khoảng 500 bao mì gói. "Đan giỏ này không cần sức khỏe, không cần trình độ, chỉ cần mình có thời gian rảnh rỗi là có thể làm được. Đơn giản chỉ cần tôi chỉ dẫn sơ rồi có công ngồi làm là có sản phẩm đẹp", thầy Toàn cho biết.
Thầy Toàn bên chiếc túi xách đầu tiên và bộ sưu tập xác lập kỷ lục
Cũng theo thầy Toàn, tất cả những khó khăn trong quá trình thực hiện bộ sưu tập độc của mình, yếu tố quyết định giúp thầy vượt qua tất cả là niềm đam mê và ý nghĩa của bộ sưu tập với các em học sinh. Thầy Toàn cho hay, xác định mực đích là thực hiện để giáo dục các em về ý thức bảo vệ môi trường, nhất là trong tình hình thực tế như hiện nay. "Mục đích của mình là giáo dục từng em học sinh nơi mình đang dạy ý thức bảo vệ môi trường. Sau khi hoàn thành và được nhiều người biết đến, hiện giờ mong muốn của mình là nhà nước hay doanh nghiệp nào đó tài trợ để mình phát triển thành một ngành nghề kiếm thêm thu nhập cho người dân", thầy Toàn bộc bạch.
Sau khi xác lập kỷ lục, ý tưởng "điên rồ" của thầy Toàn đã được nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Hiện có nhiều người ngỏ ý mua để làm kỷ niệm bởi tính độc lạ của nó nhưng chưa có ai có ý đầu tư dài hạn. Thầy Toàn cho biết sẵn sàng dạy nghề miễn phí cho những ai có ý muốn làm, cũng như sẵn sàng cho mượn bộ sưu tập của mình để trình diễn.