Liên quan đến việc bé trai 4 tuổi là N.V.P (Nam Định) bị cô giáo buộc dây vào cửa sổ, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho rằng những trường hợp trẻ bị đa khuyết tật (khuyết tật trí tuệ - tăng động, điếc - câm và có biểu hiện kèm theo rối loạn phổ tự kỷ), gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường cần phối hợp chính quyền, nhà chuyên môn để có biện pháp phù hợp.
Hình ảnh bé trai bị buộc vào cửa sổ
Ông Minh cho rằng trường hợp cháu P. rất khó để em tham gia giáo dục hòa nhập ở nhà trường, đồng thời là thách thức lớn đối với cả nhà chuyên môn, cán bộ quản lý và giáo viên. Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non nhấn mạnh việc chăm sóc, giáo dục những cháu như cháu P. cần rất nhiều điều kiện về chuyên môn, cơ sở vật chất, công tác quản lý và đặc biệt cần có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, y tế và các lực lượng xã hội khác. Nhà trường không giao nhiệm vụ bất khả thi cho giáo viên, dẫn đến việc đáng tiếc như buộc trẻ vào cửa sổ ở Nam Định.
Nói thêm về trường hợp cháu P., ông Minh cho hay huyện Trực Ninh (Nam Định) không có cơ sở hay trung tâm chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật ở mức độ rất nặng hay đa tật như trường hợp của cháu N.V.P. Trường Mầm non B, xã Trực Đại, chưa có giáo viên được đào tạo về giáo dục đặc biệt. Giáo viên cũng chưa được bồi dưỡng chuyên môn về giáo dục trẻ khuyết tật, chưa có nhân viên hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật. Điều kiện cơ sở vật chất để giáo dục trẻ khuyết tật (đặc biệt đối với trẻ tự kỷ) chưa bảo đảm.
Việc nhà trường chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của gia đình, tiếp nhận cháu P. vào học, đó là điều đáng ghi nhận. Nhưng giáo viên chưa có kiến thức, phương pháp và kỹ năng quản lý hành vi và giáo dục trẻ như em N.V.P dẫn đến việc có biện pháp không phù hợp. Đây là điều cần sự cảm thông, chia sẻ của xã hội đối với các cô giáo.
"Nhà trường cần rút kinh nghiệm rằng việc chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật phải là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không của riêng trường. Trẻ bị đa khuyết tật như em N.V.P, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường cần phối hợp chính quyền, nhà chuyên môn để có biện pháp phù hợp. Trường không giao nhiệm vụ bất khả thi cho giáo viên" - ông Minh nói.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non cũng cho biết Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo Sở GD-ĐT Nam Định phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có giải pháp hỗ trợ để bé P. được chăm sóc, giáo dục phù hợp.
Ông Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam, cho biết Công đoàn giáo dục Việt Nam sẽ có văn bản gửi cho ngành giáo dục Nam Định về trường hợp của cháu P.
Theo ông Đức, rất cần có sự chia sẻ với cô giáo trong trường hợp phải quản lý lớp đông, lại có cháu bị tăng động như vậy. Cô giáo không chỉ phải bảo đảm an toàn cho cháu, mà còn bảo đảm an toàn cho các cháu khác trong lớp. Vì vậy, việc cô giáo làm là cực chẳng đã, chứ không có ác ý.
Hơn nữa, cô giáo cũng chỉ buộc vào áo, tránh làm cháu bị tổn thương. Thực ra nhà trường và cô giáo có thể từ chối không nhận cháu P., nhưng xuất phát từ tình thương đối với cháu vì hoàn cảnh đặc biệt, các cô phải nhận, dù biết rất khó khăn. Ông Đức nhấn mạnh rất cần sự thấu hiểu, chia sẻ của dư luận. Việc này chỉ nên rút kinh nghiệm trong hội đồng sư phạm nhà trường, không nên xem xét hình thức kỷ luật cô giáo.
Trước đó, hình ảnh bé trai 4 tuổi ở Trường Mầm non B Trực Đại (xã Trực Đại, huyện Trực Ninh, Nam Định) bị buộc vào cửa sổ khiến dư luận lên án gay gắt.