Giáo sư Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), vừa có đề xuất cho học sinh học xong THCS được học thẳng lên cao đẳng (CĐ), bỏ qua giai đoạn học trung cấp (TC) như hiện nay. Bởi xu hướng của thế giới là để người dân gia nhập thị trường lao động sớm. Nếu học hết lớp 9 vào học nghề, 18-19 tuổi có thể gia nhập thị trường lao động, sau đó học liên thông vào ĐH. Mô hình này đã thành công ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) hay các quốc gia phát triển như Pháp, Anh.
Không nên là biện pháp để tuyển sinh
Theo chỉ thị của Bộ Chính trị năm 2011 cũng như quyết định năm 2018 của Chính phủ thì mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam phải có 30% học sinh THCS học nghề và đến năm 2025 đạt 40%. Tuy nhiên, hiện nay con số thực tế mới khoảng 8%. Việc phân luồng ở đa số địa phương chưa mang lại hiệu quả.
Học sinh THCS tại TP HCM tham gia ngày hội tuyển sinh, hướng nghiệp giáo dục nghề nghiệp năm 2018 do Báo Người Lao Động, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP tổ chức
TS Lê Lâm, Chủ tịch HĐQT hệ thống Trường Đại Việt Sài Gòn, cho rằng tuyển sinh TC nhìn chung rất khó khăn bởi công tác hướng nghiệp ở bậc THCS chưa đáp ứng tốt nhiệm vụ phân luồng, nhà trường luôn hướng học sinh sau khi học xong THCS học tiếp lên THPT. Điều thuận lợi cho định hướng đó là con đường học tiếp lên THPT của học sinh tốt nghiệp THCS rất rộng mở. Nếu không trúng vào lớp 10 công lập, học sinh có thể học ở các trường THPT ngoài công lập hoặc học giáo dục thường xuyên. Cũng có nguyên nhân khác là học sinh học hết lớp 9 vào học TC nhưng luật quy định các em vừa học TC vừa phải học văn hóa. Điều này dẫn đến chương trình nặng, tổ chức đào tạo không hợp lý vì học nghề một nơi, học văn hóa ở nơi khác khiến việc dạy nghề khó chất lượng. Hơn nữa, theo quy định phải học hết TC mới liên thông CĐ, như vậy học viên phải mất thêm một năm để hoàn thành văn hóa mới được học tiếp nên phần lớn chọn hướng học hết THPT sau đó vào thẳng ĐH hoặc CĐ.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho rằng cơ cấu nguồn nhân lực vẫn cần trình độ TC rất nhiều, nếu như xem đây là biện pháp để tuyển sinh thì không nên. Nếu vì sự chưa thành công trong việc thu hút học sinh lớp 9 vào học chương trình TC và do tính sính bằng cấp mà cho các em học lên CĐ thì cũng không nên.
Băn khoăn về 9 + 5
Theo ông Phạm Thái Sơn, mô hình cho học sinh tốt nghiệp THCS học lên CĐ mà không cần phải qua khâu xét tuyển liên thông như hiện nay hoàn toàn phù hợp nếu có chương trình đào tạo phù hợp. Chương trình đào tạo cũng cần có sự rẽ nhánh cho các học sinh chứ không nên đóng gói lại thành 9+5, đồng thời không phải tất cả ngành nghề đều áp dụng mô hình này.
Với cách thiết kế chương trình theo modul thì các em hoàn toàn có thể rẽ nhánh ra đi làm nếu có đủ năng lực nghề nghiệp. Các em đã học TC muốn học nâng cao thì xen vào để tiếp tục có trình độ CĐ. Vấn đề này nên được nghiêm túc suy xét để có thể áp dụng thực tế. Phương án này sẽ giúp thu hút người học, giảm thời gian đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo - nêu quan điểm không nên đưa mô hình sau lớp 9 cộng thêm 5 năm nữa thành CĐ (gọi là mô hình 9+5) vào cơ cấu hệ thống giáo dục. Bởi việc chen vào cơ cấu hệ thống giáo dục hệ 9+5 sẽ làm mất đi tính tiêu chuẩn của một hệ thống và phá vỡ khung trình độ quốc gia. Hơn nữa, việc đưa mô hình 9+5 vào Luật Giáo dục là thừa vì Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục ĐH đều đã đề cập đến liên thông trong hệ thống. Khi học xong ở trình độ nào (đạt được chuẩn đầu ra và số tín chỉ tương đương) thì hoàn toàn được liên thông lên trình độ tiếp theo.
Theo ông Vinh, việc thiết kế và tổ chức thực hiện chương trình hấp dẫn là quan trọng. Những em không có điều kiện, chỉ cần học kỹ năng trong thời gian ngắn để đi làm kiếm sống thì cấp chứng chỉ. Những em có điều kiện kinh tế hơn, muốn học dài hơn thì học. Thời gian 5 năm sau bậc THCS rất dài, tâm sinh lý, nhu cầu thay đổi, nên sau 18 tuổi rất có thể bỏ học.
Kinh nghiệm nước Bỉ về việc thiết kế ở bậc trung học một số đơn vị năng lực với sự tham gia của doanh nghiệp, nếu học sinh bỏ học sớm thì chỉ cần có được 2 chứng chỉ là có thể tham gia thị trường lao động, cũng đáng để chúng ta học tập. Trước mắt nên quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp, thiết kế chương trình giáo dục nghề nghiệp đa dạng, linh hoạt và có một hệ thống đánh giá kỹ năng, bảo đảm chất lượng công nhận năng lực nghề nghiệp ở mỗi chương trình. Ai có điều kiện kinh tế và năng lực học tập thì sẽ được công nhận và tiếp tục học đến các chương trình CĐ hay ĐH.
Ông Hoàng Ngọc Vinh cho rằng việc liên thông đang có một số bất cập cần kiến nghị Thủ tướng để sửa đổi, tìm ra nguyên nhân căn cốt về liên thông, phân luồng đang bị nghẽn, không nên làm phức tạp hệ thống giáo dục khi đưa thêm mô hình vào Luật Giáo dục. Việc hợp tác phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ LĐ-TB-XH cho thấy là điều kiện rất cần thiết để thực hiện công tác phân luồng.
Giúp vừa làm vừa học
Giáo sư Lê Quân cho biết hiện đã có 5 trường thí điểm cho học sinh tốt nghiệp THCS học thẳng lên CĐ. Chương trình này thiết kế theo mô thức lớp 9 + văn hóa và chương trình nghề. Người học khi tham gia chương trình này có thể tham gia thị trường lao động sớm và học tiếp lên cao chứ không đóng khung trong 4 hoặc 5 năm và thời gian học trong trường cũng rút ngắn dần.
Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, việc cho học sinh tốt nghiệp THCS học thẳng lên CĐ là tốt bởi học nhanh, tiếp cận nghề sớm, tập trung học những nội dung thời thượng, giống nhiều nước và quan trọng nhất là sớm tham gia cách mạng công nghệ 4.0.