Trường học thông minh có khả thi?

Thứ hai, 18 Tháng 2 2019 08:49 (GMT+7)
TP HCM sẽ xây dựng trung tâm điều hành giáo dục thông minh và thí điểm mô hình trường học thông minh tại 5 trường phổ thông

Đề án "Phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) TP HCM giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2025" do Sở GD-ĐT TP vừa công bố có nhiều nội dung đáng chú ý. Nếu đề án thành công, các trường học, lớp học sẽ được điện tử hóa và việc tuyển sinh đầu cấp lâu nay các quận - huyện đang làm theo hình thức thủ công sẽ chuyển sang hình thức trực tuyến.

Ứng dụng công nghệ thông tin

Theo Sở GD-ĐT TP HCM, bắt đầu từ năm học 2018-2019, các trường phổ thông tại TP sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT. Trong đó, từ năm 2018-2020, 5 trường THPT là chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Lê Quý Đôn, Nguyễn Hiền, Nguyễn Du sẽ thí điểm mô hình trường học thông minh. Việc thí điểm này trên cơ sở xây dựng lớp học điện tử, trường học điện tử.

Theo đề án, Sở GD-ĐT TP HCM sẽ có trung tâm điều hành giáo dục thông minh để điều hành ngành GD-ĐT TP. Trung tâm điều hành được coi là bộ não của mô hình, trong đó sẽ số hóa các tiện ích trong lĩnh vực GD-ĐT để các cấp quản lý, nhà trường và người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng.

Trường học thông minh có khả thi? - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, cho biết đây là chủ trương của sở nên trường còn đang chờ các văn bản hướng dẫn để triển khai. Trường học thông minh hiểu cơ bản là sẽ ứng dụng CNTT trong các hoạt động, như lắp đường truyền, hệ thống quản lý nhà trường, giáo viên, học sinh…

Một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cho rằng thật ra, những giải pháp thực hiện đề án thì lâu nay ngành GD-ĐT đã làm từng bước, thậm chí đi trước. Chẳng hạn, ngành từng triển khai thẻ học sinh điện tử; dịch vụ phụ huynh nhận thông tin về quá trình học tập, rèn luyện của học sinh trong nhà trường; thiết kế bài giảng điện tử; học sinh đăng ký các CLB trong trường… Đề án chỉ là một hình thức để hệ thống lại và mở rộng các ứng dụng theo hướng đơn giản, thiết thực.

Sẽ tuyển sinh đầu cấp qua mạng

Một trong những giải pháp đáng chú ý trong đề án là sẽ xây dựng các lớp dịch vụ công trực tuyến, cung cấp các ứng dụng CNTT để người dùng có thể thực hiện các dịch vụ công về giáo dục với nhà trường qua mạng internet. Trong đó, đặc biệt là dịch vụ giúp phụ huynh đăng ký tuyển sinh đầu cấp cho con em mình.

Người phụ trách chuyên môn một phòng GD-ĐT cho rằng hằng năm, việc tuyển sinh đầu cấp tại các quận, huyện gặp áp lực rất lớn. Việc này trải qua nhiều giai đoạn, từ khảo sát, ghi nhận, tổng hợp trẻ đến phát phiếu gọi ra lớp… rồi phát hồ sơ, kiểm tra các điều kiện... Nhiều phụ huynh phải xin nghỉ làm để đi nộp hồ sơ cho con. Chính vì thế, nếu số hóa việc tuyển sinh này thông qua hình thức trực tuyến thì sẽ tiện ích hơn. Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi phải có phần mềm tuyển sinh đáp ứng tốt, tránh tình trạng quá tải và phụ huynh nào cũng có thể sử dụng được.

Theo ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 6, nếu tuyển sinh hướng đến việc phụ huynh ở nhà hay văn phòng cũng có thể đăng ký cho con em thì rất thiết thực, tiện lợi. Người không rành về CNTT thì vẫn có thể dùng cách truyền thống để nộp hồ sơ cho con em. "Nghĩa là dù trực tuyến hay không thì cũng không bắt buộc mọi người đều phải sử dụng. Giống như người dùng thẻ của ngân hàng hiện nay, không phải ai cũng biết hình thức chuyển tiền qua mạng" - ông Uyên so sánh.

Thừa nhận đây là hướng đi đúng đắn nhưng nhiều chuyên gia cho rằng để đề án khả thi thì còn nhiều việc phải làm. Cụ thể như điều kiện hạ tầng CNTT hiện nay còn thiếu và yếu; trình độ CNTT của nhiều giáo viên còn dưới chuẩn, trường học chênh lệch về chất lượng, cơ sở vật chất… Quan trọng nhất là hiện nay, người có trình độ CNTT giỏi sẽ không chọn về ngành GD-ĐT công tác. 

Khó thu hút người giỏi CNTT

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP HCM, trong giai đoạn đầu của đề án, số lượng giáo viên, học sinh đạt chuẩn tin học theo trình độ quốc tế chưa nhiều. Bắt đầu từ năm 2015-2016, TP HCM mới chính thức triển khai các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế tại 50 trường tiểu học, THCS và THPT. Đến đầu năm 2016, TP mới có những lớp học sinh đầu tiên tham gia các kỳ kiểm tra để được văn bằng, chứng chỉ quốc tế. Sở cũng thừa nhận hiện nay, ngành GD-ĐT TP khó thu hút người giỏi CNTT về công tác, do chế độ đãi ngộ thấp.

Nguồn: Đặng Trinh - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục