Tăng vai trò ĐH để chống gian lận thi cử

Thứ sáu, 22 Tháng 3 2019 08:55 (GMT+7)
Bên cạnh việc kiểm soát đan xen, hàng loạt biện pháp kỹ thuật được Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 nhằm bảo đảm kết quả trung thực, khách quan

Trong 2 ngày 20 và 21-3, tại TP HCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức tập huấn nghiệp vụ kỳ thi THPT quốc gia và công tác tuyển sinh ĐH; tuyển sinh CĐ, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2019. So với các kỳ thi trước, kỳ thi năm nay có một số điểm mới và vai trò của trường ĐH được tăng cường.

"Cắm" trường ĐH để ngăn tiêu cực

Khác với 2 năm 2017 và 2018, các trường ĐH chỉ tham gia kỳ thi THPT quốc gia với vai trò phối hợp cùng sở GD-ĐT thì năm nay, các trường ĐH tham gia nhiều hơn, đặc biệt ở khâu chấm thi. Điều 26 về chấm thi trắc nghiệm năm 2019 nêu rõ: Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ cho các trường ĐH, CĐ chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm tại các hội đồng thi. Sở GD-ĐT địa phương chịu trách nhiệm về chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, hệ thống máy tính, máy quét ảnh và các thiết bị phụ trợ đáp ứng yêu cầu theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT; phối hợp với công an bảo đảm an ninh, an toàn…

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM - cho rằng sự tham gia nhiều hơn của trường ĐH ở khâu quản lý bài thi, chấm thi chắc chắn sẽ hạn chế được tiêu cực bởi các trường ĐH không được lợi gì từ kết quả gian lận. Một điểm mới nữa là năm nay, trường ĐH địa phương (thuộc tỉnh) không tham gia công tác coi thi cũng là giải pháp ngăn chặn tiêu cực. Vấn đề còn lại là ở các trường ĐH khi cử cán bộ tham gia các khâu này.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh đề nghị các trường ĐH, CĐ chuẩn bị tốt các nội dung: điều động đủ cán bộ, đáp ứng chất lượng tham gia công tác thi tại địa phương.

Tăng vai trò ĐH để chống gian lận thi cử - Ảnh 1.

Thí sinh tham khảo thông tin tuyển sinh năm 2019. Ảnh: QUANG LIÊM

Cần giải pháp kỹ thuật

Nhiều vấn đề khác được đại diện các trường ĐH đưa ra như dữ liệu điểm thi, ảo, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào nhóm ngành y tế…

TS Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng Ban ĐH - ĐHQG TP HCM, đề nghị Bộ GD-ĐT cung cấp dữ liệu điểm thi đầy đủ để nhóm xét tuyển phía Nam chạy lọc ảo. Cũng là câu chuyện ảo, đại diện một trường ĐH cho rằng bộ cần có giải pháp kỹ thuật để lọc ảo vì trường có xét tuyển học bạ nhưng năm 2018, trường gọi điện thoại cho nhiều thí sinh trúng tuyển theo phương thức này thì được trả lời đã trúng tuyển ở trường khác bằng phương thức xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia.

Theo ông Lê Văn Hiển, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP HCM, trường từng gặp trường hợp thí sinh đủ điểm đậu ĐH nhưng sau này kiểm tra lại thì chưa tốt nghiệp. Vì vậy, vấn đề dữ liệu điểm cần cập nhật nhanh, chính xác.

Ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào cũng là vấn đề được quan tâm. Đại diện một trường ĐH đặt câu hỏi trường hợp thí sinh có học lực khá nhưng điểm trung bình của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển chỉ đạt 6,4 liệu có đủ điều kiện xét tuyển? Năm 2019, Bộ GD-ĐT quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành y tế (đã áp dụng từ năm 2018 đối với ngành đào tạo giáo viên). Theo đó, đối với trường hợp thí sinh xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT sẽ quy định điểm sàn sau khi có kết quả điểm thi. Đối với xét tuyển theo học bạ, điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT trình độ ĐH: Đối với các ngành y khoa, y học cổ truyền, răng - hàm - mặt, dược học tối thiểu là 8,0 điểm trở lên; điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng tối thiểu là 6,5 điểm trở lên.

Liên quan vấn đề này, đại diện Bộ GD-ĐT trả lời nếu thí sinh có kết quả học lực loại khá thì 6,4 điểm cũng đủ điều kiện xét tuyển.

Ngày 23-3, "Đưa trường học đến thí sinh 2019" tại TP HCM

Vào lúc 8 giờ ngày 23-3, chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2019" do Báo Người Lao Động tổ chức sẽ diễn ra tại Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP HCM). Chương trình được Đài Truyền hình TP HCM truyền hình trực tiếp.

Tham gia chương trình có gần 2.000 học sinh đến từ các trường: THPT Nguyễn Thị Diệu (quận 3), THPT Trần Hữu Trang (quận 5), THPT Đào Duy Anh (quận 6), THPT Nhân Việt (quận Tân Phú) và THPT Trưng Vương. Chương trình quy tụ các chuyên gia đến từ nhiều trường danh tiếng tại TP HCM với nhiều thế mạnh đào tạo khác nhau: ĐHQG TP HCM, Trường ĐH Tài chính - Marketing, ĐH Mở TP HCM, ĐH Nông Lâm TP HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, ĐH Ngoại thương Cơ sở 2, ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, ĐH Sư phạm TP HCM, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Nguyễn Tất Thành, CĐ Đại Việt Sài Gòn, CĐ Vạn Xuân.

Chương trình được tổ chức ngay trước thời điểm thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia và đăng ký xét tuyển nguyện vọng vào ĐH, CĐ 2019 nên hứa hẹn sẽ giải đáp được hầu hết băn khoăn, thắc mắc của các em. Chương trình đồng thời được tường thuật trực tuyến tại nld.com.vn.

Huy Lân - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục