Gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018: Phải truy rõ ai mua điểm

Thứ ba, 26 Tháng 3 2019 08:58 (GMT+7)
Liên quan đến gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018, ngành công an đã tước danh hiệu Công an Nhân dân của một sĩ quan và khởi tố bị can đối với một nguyên sĩ quan khác

Liên quan vụ tiêu cực thi cử ở Sơn La, ngày 25-3, Công an tỉnh Sơn La đã công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an kỷ luật thiếu tá Đinh Hải Sơn bằng hình thức tước danh hiệu Công an Nhân dân.

Làm đến cùng và nghiêm trị

Thiếu tá Đinh Hải Sơn, nguyên phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ (PA03) - Công an tỉnh Sơn La, bị kỷ luật vì liên quan gian lận thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Sơn La.

Trước đó, ngày 13-2, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Sơn La đã khởi tố nguyên trung tá Đỗ Khắc Hưng, nguyên cán bộ công tác tại Phòng PA03 - Công an tỉnh Sơn La, về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Ngoài ra, một nguồn tin cho biết còn một trung tá khác bị miễn nhiệm chức vụ, chờ cơ quan chức năng kết luận vi phạm để xử lý kỷ luật.

Trong vụ tiêu cực thi cử ở Sơn La, Cơ quan ANĐT cũng đã khởi tố 5 đối tượng, đều công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Sơn La, cùng về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", gồm: ông Trần Xuân Yến, nguyên Phó Giám đốc sở; ông Lò Văn Huynh, nguyên Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, cùng một nguyên chuyên viên của phòng này là bà Nguyễn Thị Hồng Nga; ông Đặng Hữu Thủy, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu (TP Sơn La); bà Cầm Thị Bun Sọn, nguyên Phó Phòng Chính trị tư tưởng.

Công an tỉnh Sơn La cho biết đã công bố 44 thí sinh (TS) với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm thi THPT quốc gia 2018. Trong đó, TS có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn), có bài thi (toán) giảm tới 9 điểm.

Ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng muốn xử lý triệt để vụ việc, cơ quan chức năng cần quyết liệt truy trách nhiệm đến cùng những đối tượng tham gia đường dây này, gồm những người tham gia sửa điểm và cả người chạy điểm.

"Đây là lỗi của người lớn, phụ huynh là những người chủ động, thậm chí còn có vai trò tổ chức. Vì thế, phải truy trách nhiệm đến cùng đối với những người này" - ông Thắng nhấn mạnh và đề nghị phải có hình thức xử lý nghiêm những phụ huynh đã chạy điểm cho con và cả những người bao che, dù đó là con hay cháu của vị lãnh đạo nào thì cũng phải nghiêm trị để răn đe cho những năm sau.

Thí sinh được nâng điểm là con cháu những ai?

Trước đó, sau khi Học viện Cảnh sát Nhân dân công bố điểm chuẩn tuyển sinh năm 2018, nữ sinh Trần Ngọc Diệp của tỉnh Sơn La trở thành thủ khoa với tổng điểm 3 môn là 28,3.

Diệp đạt 2 điểm 10 ở môn tiếng Anh và lịch sử, toán: 9,6; ngữ văn: 9; địa lý: 8,25. Với mức điểm này, Diệp cũng là TS có tổng điểm cao nhất cả nước ở nhiều tổ hợp xét tuyển, như khối C03 (toán, ngữ văn, lịch sử); D1 (toán, ngữ văn, tiếng Anh); D09 (toán, lịch sử, tiếng Anh) và D14 (ngữ văn, lịch sử, tiếng Anh).

Thi THPT quốc gia đạt kết quả cao như vậy nhưng ở kỳ thi thử, Diệp chỉ đạt điểm ở mức trung bình. Cụ thể, toán: 6,4; ngữ văn: 6,5; tiếng Anh: 5,8; lịch sử: 5,5; địa lý: 4,25; giáo dục công dân: 5,5.

Một nữ sinh khác là Ngô Lương Bảo Ngọc, lớp 12 chuyên sử Trường THPT chuyên Sơn La, đạt 9,8 điểm môn tiếng Anh ở kỳ thi THPT quốc gia nhưng điểm thi thử chỉ là... 1,2. Điểm các môn khác của Ngọc ở kỳ thi THPT quốc gia cũng cao gần gấp đôi điểm thi thử. Cụ thể, điểm 6 môn ở kỳ thi THPT quốc gia lần lượt là: toán: 9,8; ngữ văn: 8,75; lịch sử: 7,5; địa lý: 8,25, giáo dục công dân: 8; tiếng Anh: 9,8; điểm trung bình: 8,68. Trong khi đó, điểm thi thử chỉ ở mức: toán: 5; ngữ văn: 4; lịch sử: 6,25; địa lý: 6,25; giáo dục công dân: 5,25; tiếng Anh: 1,2; điểm trung bình: 4,6. Sự chênh lệch quá lớn giữa kết quả thi thử và thi THPT quốc gia của Ngọc khiến dư luận không khỏi băn khoăn bởi đề thi được đánh giá là rất khó.

Tiến sĩ Dương Thị Hưởng, cựu giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho hay nhiều phụ huynh, học sinh ở Sơn La bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng làm rõ 44 TS được nâng điểm là con cháu của ai. "Người ta không thể tự nhiên sửa điểm của TS nếu họ không nhận lại điều gì đó. TS không phải con ông cháu cha thì làm sao có cơ hội được sửa điểm?" - bà Hưởng đặt vấn đề và mong muốn cơ quan chức năng sớm công bố mọi thông tin, có hình thức xử lý nghiêm phụ huynh đã chạy điểm cho con, cả những người bao che.

Gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018: Phải truy rõ ai mua điểm - Ảnh 1.

Ông Lò Văn Huynh lúc nghe đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam. (Ảnh do công an cung cấp)

Bộ GD-ĐT khẳng định "không dung dưỡng"

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), nhấn mạnh khi có những bằng chứng tiêu cực thì phải xử lý buộc thôi học đối với TS.

"Tinh thần là phải thượng tôn pháp luật. Cần "hy sinh" mấy chục em để cứu nền giáo dục, để lấy lại niềm tin của nhân dân. Hệ quả của tiêu cực là rất lớn, nó khiến mất công bằng xã hội là điều mà tất cả chúng ta đang nỗ lực để hướng đến. Việc công bố danh sách những người trong đường dây gian lận thi cử sẽ giúp lấy lại công bằng cho nhiều học sinh khác, bởi nhiều nguồn tin cho rằng không ít TS có điểm cao bất thường trong tỉnh là con cháu các vị lãnh đạo" - ông Vinh nói và cho rằng việc những người có chức vụ, quyền hạn, tiền bạc mà mua bán điểm đã đẩy con em nhà nghèo nhưng có năng lực vào chỗ không có cơ hội đi học.

"Từ điểm thi đầu vào không thực chất dẫn đến 4 năm học tiếp tục chạy điểm. Những người này ra trường đi làm rồi tiếp tục chạy chức, chạy quyền. Thử hỏi những cán bộ, viên chức sản sinh từ những tiêu cực đó có năng lực hay không? Tôi thấy điều này vô cùng nguy hiểm. Nó đánh vào niềm tin của cả xã hội đối với ngành giáo dục" - ông Vinh chia sẻ.

Một chuyên gia tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng có thể không công bố tên các TS vì sai phạm là của người lớn nhưng đối với các phụ huynh, cần xem xét trách nhiệm hình sự vì chạy điểm là vi phạm pháp luật. Khi đã hoàn tất điều tra thì việc công bố danh sách những người này là hoàn toàn có thể, nếu không sẽ khó tránh sự việc tương tự diễn ra sau này. Việc cán bộ ngành giáo dục "bắt tay" với người có tiền, có chức, có quyền để nâng bài, sửa điểm cho TS theo "đặt hàng" là không chấp nhận được.

Vị này cũng nhấn mạnh rằng đã biết người sửa điểm thì chắc chắn biết người nhờ sửa điểm. "Trong trường hợp này, tôi tin việc điều tra ra người nhờ chạy điểm không phải quá khó. Cơ quan chức năng có công bố danh tính người "mua điểm" hay không là điều mà dư luận đang chờ" - giảng viên này nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào tối 25-3, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), khẳng định quan điểm của Bộ GD-ĐT là xử đến cùng, không dung dưỡng cho hành vi tiêu cực.

Chấp nhận đau đớn...

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhận xét Bộ GD-ĐT và Bộ Công an đã rất quyết liệt trong xử lý tiêu cực thi cử. "Tôi ủng hộ cách làm quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Công an. Muốn lấy lại sự công bằng cho một kỳ thi thì cần phải làm đến nơi đến chốn và chấp nhận việc "mổ xẻ" sẽ rất đau nhưng là điều cần thiết!" - ông Vinh nhấn mạnh.

Trong một diễn biến khác, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La cập nhật kết quả thi của các TS, xét công nhận tốt nghiệp THPT và thông báo kết quả cho TS liên quan. Đồng thời, cung cấp thông tin về điểm thi của các TS này cho Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng, Cục Đào tạo - Bộ Công an, các ĐH, học viện, trường ĐH để cập nhật, rà soát kết quả xét tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 đối với các TS liên quan.

Ông Mai Văn Trinh cho biết đã yêu cầu các trường ĐH liên hệ chặt chẽ với Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La để được cung cấp thông tin liên quan. Căn cứ thông tin được cung cấp, các trường rà soát kết quả xét tuyển sinh ĐH năm 2018 của trường. Các đơn vị liên quan của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an sẽ chỉ đạo, hỗ trợ các cơ sở giáo dục ĐH thuộc phạm vi quản lý thực hiện nội dung này.

Tiếp tục điều tra vụ đưa tiền - nâng điểm thi ở Hòa Bình

Tại buổi họp báo quý I/2019 của Bộ Công an diễn ra chiều 25-3, trả lời câu hỏi về việc kết luận điều tra vụ sửa điểm thi THPT ở Hòa Bình có dấu hiệu sơ sài khi thể hiện Đỗ Mạnh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) khai được hưởng lợi 550 triệu đồng khi nâng điểm cho TS nhưng không nêu danh tính người đưa tiền, Chánh Văn phòng Bộ Công an - Trung tướng Lương Tam Quang - cho biết Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã có kết luận điều tra ban đầu, chuyển VKSND cùng cấp. Còn thông tin này cũng đang tiếp tục làm rõ, nếu đủ căn cứ sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

Ng.Hưởng

Yến Anh - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục