Theo Điều lệ trường phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành, tại điều 4.3 quy định học sinh (HS) không được sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) hoặc máy nghe nhạc trong giờ học; không hút thuốc, uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi đang tham gia các hoạt động giáo dục.
"Đẳng cấp" thông qua chiếc smartphone
Tuy quy định là thế nhưng trong thực tế, việc HS sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) công khai hay lén lút đã không còn là chuyện lạ. Năm 2017, một HS tại Ninh Bình vì hoảng sợ khi bị cô giáo tịch thu ĐTDĐ, mời phụ huynh tới làm việc nên đã nhảy lầu dẫn đến gãy cả hai chân. Hay gần đây nhất là những HS đánh nhau và dùng ĐTDĐ quay clip lại rồi phát tán lên mạng…
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, hiện nay, khi chiếc điện thoại thông minh không còn quá xa xỉ với nhiều gia đình thì đối tượng dùng ĐTDĐ đã lan đến cả những HS tiểu học, THCS. Chị Phan Thanh Nga, một phụ huynh tại quận Thủ Đức, TP HCM, cho biết mới đây, chị hoảng hốt khi con đang học lớp 2 về đòi mẹ cho mượn ĐTDĐ, rồi còn hỏi mật khẩu để tải một trò chơi trên mạng. "Tôi ngỡ ngàng vì đó là một game có những cảnh bắn nhau. Hỏi con thì được biết một bạn cùng lớp cho chơi cùng trong lúc chờ mẹ đến đón" - chị Nga nói.
Biến tướng của dùng ĐTDĐ thiếu sự kiểm soát còn là hiện tượng so sánh smartphone của ai đẳng cấp hơn, "xịn" hơn. Một phụ huynh lớp 6 Trường THCS Chu Văn An (quận 1) kể một ngày con hờn dỗi đòi ĐTDĐ mới. Lý do là các bạn cùng lớp đều có điện thoại thông minh, nhiều chức năng, có thể nghe nhạc, chơi game, thậm chí xem phim trên đó, nếu dùng điện thoại "cục gạch" chỉ có chức năng đơn giản thì quá quê với đám bạn.
Hầu hết học sinh THPT mang theo điện thoại và sử dụng tại trường học. Ảnh: TẤN THẠNH
Áp dụng khác nhau
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng dùng smartphone luôn có hai mặt, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin phát triển. Nếu cấm hẳn là một bước thụt lùi, lạc hậu trong thời đại công nghệ 4.0. Tuy nhiên quản lý thế nào, chứ không thể "không quản được thì cấm". Chưa kể, có những biến tướng khi dùng smartphone như một số giáo viên vì sợ cháy giáo án, yêu cầu HS chụp lại bài giảng rồi về nhà tự học.
Trong thực tế, nhiều trường học tại TP HCM sử dụng smartphone như một phương tiện dạy học tiện lợi cho HS. Chẳng hạn, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) cho phép HS dùng smartphone để thi và thực hiện bài kiểm tra trắc nghiệm. Ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng nhà trường, cho biết HS nào cũng có smartphone. Nếu trường không biến smartphone thành phương tiện học tập thì HS sẽ dùng nó để chơi game. Trước đây, HS lén sử dụng ĐTDĐ nhưng bây giờ cho phép sử dụng, các em được dùng ngay tại lớp để phục vụ việc học tập.
Cô Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), cho rằng vào đầu năm học, nhà trường ra thông báo và giáo viên chủ nhiệm yêu cầu phụ huynh từng lớp ký cam kết không cho HS mang ĐTDĐ, nữ trang và nhiều tiền vào trường học. Quy định là thế nhưng vẫn có những trường hợp phụ huynh cho HS dùng đồng hồ thông minh, có nhiều chức năng như một chiếc ĐTDĐ. "Trẻ em ngày nay rất thông minh, các em lại trong độ tuổi tò mò, thích khám phá. Nếu không có sự kiểm soát của người lớn thì sẽ rất nguy hại" - cô Thúy nhìn nhận.
Cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), nhận định việc cấm HS sử dụng smartphone khi cả xã hội đang bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay là rất khó. Hiện nhà trường không cấm HS mang ĐTDĐ tới trường nhưng có kiểm soát thời gian sử dụng. Cụ thể, HS được phép sử dụng trong các giờ giải lao nhưng tuyệt đối không được dùng trong giờ học.
Ông Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng (quận 10), cho hay một ngày HS chỉ học 4-5 tiết tại trường. Theo quy định, nếu phát hiện em nào dùng ĐTDĐ trong giờ học là giáo viên phải giữ lại và mời phụ huynh đến làm việc.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), cho biết tại trường, HS sử dụng ĐTDĐ trong giờ học mà không có sự cho phép của giáo viên bộ môn sẽ bị trừ điểm rất nặng. "Nhưng tùy giáo viên, như ở môn học của tôi, tùy từng bài học và khi làm việc nhóm sẽ cho phép HS được dùng ĐTDĐ" - thầy Du nói.
Chỉ cho phép dùng trong trường hợp khẩn
Một dự luật mới dự kiến sớm được thông qua tại bang California - Mỹ sẽ yêu cầu các trường thuộc bang này hạn chế hoặc cấm HS sử dụng điện thoại thông minh. Dự luật mới lý giải việc sử dụng ĐTDĐ trong lớp gây cản trở hoạt động giáo dục của nhà trường, giảm khả năng phát huy của HS, gia tăng số vụ bắt nạt qua mạng, gây căng thẳng, trầm cảm và tự sát. Tuy nhiên, theo đài ABC News, dự luật mới sẽ cho phép HS sử dụng ĐTDĐ tại trường trong những trường hợp khẩn cấp hoặc mục đích học tập.
Năm ngoái, Pháp cũng đã ra quy định yêu cầu HS từ 3-15 tuổi để điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác ở nhà hoặc tắt nguồn nếu mang đến lớp học.
Còn tại Anh, Bộ trưởng Giáo dục Anh Nick Gibb cũng cho rằng các trường học nước này nên cấm HS mang điện thoại thông minh đến lớp học.
Theo tờ Japan Times (Nhật Bản), hồi năm 2009, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã cấm HS tiểu học và trung học mang ĐTDĐ do chúng không hỗ trợ cho các hoạt động giáo dục. Nhưng giờ đây, giới chức Nhật Bản cho rằng quy định trên không còn hợp thời do sự phổ biến của thiết bị di động và sự cần thiết của các công cụ liên lạc trong trường hợp xảy ra thảm họa.
Xuân Mai